Âm hưởng bi tráng trong tiểu thuyết “Mùa hè giá buốt”

Thứ sáu - 19/07/2019 23:44
Hai phần của cuốn tiểu thuyết chiến tranh, mang tựa đề “Mùa hè giá buốt” (Nhà xuất bản văn hóa Sài Gòn ấn hành năm 2008) của Văn Lê, đã được bắt đầu bằng một điệu hát Văn, ...
Một âm điệu mông lung, thê thiết, nén dồn, bi thương, trắc ẩn, đặc trưng của loại hình lễ nhạc tín ngưỡng dân gian đồng bằng bắc bộ, thường được xướng lên trong các dịp sinh hoạt tâm linh!...

Trong các tác phẩm thuộc thể tài tiểu thuyết, khai thác đề tài chiến tranh, dường như, đằng sau những con chữ phục vụ cho trường thị giác, đều ẩn chứa âm hưởng của một giai điệu bí ẩn nào đó. Hào sảng, kiêu hãnh như: Xung kích, (Nguyễn Đình Thi), Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc), Vượt Côn Đảo (Phùng Quán), Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi). Hoặc âm trầm, bi thiết như Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh). Trong “Mùa hè giá buốt” giữa tiếng nổ rách trời của bom đạn, tiếng thét “xung phong” dũng mãnh của người lính xông lên giết giặc, xem ra cái âm hưởng rền rĩ, bi thiết của Xá điệutử thần điệu được vị Tư tế làng Thượng Chùa tấu lên trong một buổi sáng ảm đạm xa ngái, có vẻ như lạc nhịp? Tuy nhiên, nếu bám sát hành trình 564 trang của Văn Lê mới thấy dụng ý nghệ thuật của tác giả khi cho tác phẩm của mình mở đầu với bi điệu đầy xót xa trắc ẩn, thay vì cho những âm hưởng tráng ca, tưng bừng, hào sảng, thường thấy ở các tác phẩm sử thi.

Đây không hẳn đã là một nỗ lực đổi mới thi pháp. Bởi bất chấp những những chi tiết kỳ ảo thấp thoáng đan cài, như: hình ảnh con chó Riềng kì lạ, chớp cánh đàn Sếu ngang trời, hay những giấc mơ linh ứng của nhân vật chính. “Mùa hè giá buốt” là một tiểu thuyết truyền thống thuần thành, với mạch truyện được phát triển theo trật tự tuyến tính, với những nhân vật nhất diện, đơn nghĩa, đầy cá tính, nhưng chỉ đại diện cho chính mình…Đó là câu chuyện về một tiểu đoàn bộ binh độc lập, do thượng úy Nguyễn Sĩ Việt chỉ huy, từ Tây Nguyên được điều vào mặt trận B2 (Đông Nam bộ). Tham gia chiến dịch chống càn Junction City, trận đánh chiếm căn cứ pháo binh Cổ Loa, trại Thiết Giáp Phù Đổng và xưởng Quân Cụ, và tham gia đợt hai chiến dịch Mậu Thân sáu tám(1968)…những trận đánh cực kỳ ác liệt đó đã được trần thuật với độ chân thực mà một người viết chưa có trải nghiệm chiến trường khó có thể đạt tới. Tiếng rít lọng óc của phi cơ oanh tạc, tiếng đạn bắn thẳng đanh nhọn, rát bỏng, tiếng bộc phá khối đục trầm, tiếng rên la của thương binh chen lẫn với tiếng hô xung trận đầy sát khí, với những bãi chiến trường ngổn ngang tử thi và sạm đen khói súng. Tất cả những âm-hình, đặc trưng đó, người đọc có thể tìm thấy trong bất kỳ các tác phẩm văn học viết về chiến tranh. Người ta có thể gán cho những âm thanh này các ý nghĩa khác nhau, tùy theo hệ hình tư tưởng của người viết. Tuy rằng, thực ra những âm thanh đơn thuần như thế, chỉ đại diện cho sự tàn phá và chết chóc. Ở “Mùa hè giá buốt” tất cả các âm thanh đại diện cho sự chết đó, cũng chẳng hề kém về cao độ, trường độ, tần số sóng âm. Cái khác ở đây là tất cả những hợp âm đó, được tác giả đặt trên âm nền, và chính âm nền đó đã tạo ra âm hưởng ca vịnh bi tráng, dẫn xuất từ điệu Chầu Văn được người dân làng Thượng Chùa - Gia Mẫn, cất lên trong một buổi sớm mù sương, đưa tiễn hồn người về chốn vô cùng. Tiếng là để giao tiếp với thần linh (Tứ phủ), nhưng thực ra đó là những âm thanh tinh tế chạm đến phần Người sâu thẳm nhất trong tâm hồn người Việt. Chính âm điệu đó mới là chủ âm, là dụng ý nghệ thuật đầy xót xa để tạo nên một “Mùa hè nhiệt đới, thời tiết oi ả, nồng nực. Nhưng tâm hồn thì lại buốt giá, tái tê. Một mùa hè khốc liệt mà để đi qua nó, tiểu đoàn bộ binh Bến Nghé do thượng úy Nguyễn Sĩ Việt chỉ huy gần như đã bị xóa sổ. Khốc liệt đến độ, tất cả các nhân vật chính của câu chuyện đều bị cuộc chiến cuốn phăng trước khi những dòng cuối cùng của tác phẩm khép lại. Cũng chính trên nền chủ âm ấy, tác giả đã kiến tạo cảm thức nhân văn cho toàn tác phẩm. Nhà văn đã không ngần ngại khi cho một cán bộ dạn dày chiến trận như thượng úy Nguyễn Sĩ Việt lạng người đi chỉ vì một cú vấp nhẹ, khi nhìn thấy đàn kỳ đà đang gặm những cái xác mặc quần áo rằn ri và “nơi cánh tay còn thiết chặt mấy vòng dây dù…” (trang 33), cũng với tâm thế đó anh đã không làm sao thoát khỏi nỗi ám ảnh nặng nề khi chứng kiến quá nhiều cái chết diễn ra khi đơn vị anh tấn công vào căn cứ Tống Lê Chân “không khí tanh nồng mùi máu và mùi khét của thuốc nổ, nhiều tên địch giơ tay xin hàng nhưng vẫn bị bắn hạ một cách lạnh lùng, người chiến thắng đã tàn sát, phá phách như muốn xới tung cả căn cứ cho  hả giận…” (trang 37, 38)

 Cuộc chiến đã được mô tả với cái nhìn của người trong cuộc. Với một biên độ hẹp, tiết tấu nhanh, không gian, thời gian hạn định và các  mối quan hệ giới hạn của nhân vật. Tác giả đã cho người đọc cận cảnh sự quyết liệt của chiến tranh. Cái mà các nhà lí luận Hiện thực XHCN thường gọi là điều kiện điển hình (hoàn cảnh điển hình, nhân vật điển hình…) được triệt để khai thác. Trong điều kiện như thế, những ngụy biện, ngụy lý, những ngộ nhận nếu có đương nhiên, cũng sẽ dễ dàng bị phơi áo. Bởi cái giá để trả cho mọi sai lầm ở đây được tính bằng mạng sống của người lính! Những cán bộ chiến trường như: Sĩ Việt, Quách Cường, Ngô Khiêm, Khánh Liêm, Vương An…hay những người lính như Đức Thịnh, Duy Bình, Bích Vân, Chung Cầm…Được mô tả hồn nhiên như những con người bằng xương bằng thịt, chứ không phải như những hình tượng văn học. Với những con người như thế, những cụm từ như: “phương pháp luận” “nhận thức luận” “nguyên lý” “qui luật” “sách lược” “chiến lược”…có thể rất lạ tai. Song, cách khác thì họ lại có trực cảm vô cùng nhạy bén. Đó là thứ trực giác sinh tồn của những người phải thường trực đối mặt với cái chết. Như một cuộc thử nghiệm tâm lý (test) qui mô lớn. Những hiện tượng tâm lý học đặc thù của tâm lý học quân sự như: sợ hãi, tuyệt vọng, lạc quan, hi vọng, phẫn nộ, căm thù…liên tục được hoàn cảnh kích hoạt, hoặc lần lượt diễu qua khuôn hình, như trong một xen quay chậm, cảnh khác lại đồng hiện như những thước phim tua nhanh. Tiết tấu dồn dập của “cuốn phim” chiến tranh, đã tháo tung những “mặt nạ nhân cách” và khiến cho những ngụy luận nhanh chóng được kiểm nghiệm nhãn tiền. Trong cách thế nghiệt ngã đó, “tiểu tự sự” của tiểu đoàn Bến Nghé còn là nơi gặp gỡ của biết bao thái cực đối lập, tình yêu và hận thù, lòng dũng cảm và sự hèn nhát, tính kiên định và sự bội phản…Ở cực này là những người lính dũng cảm, có thể vùng vằng, phản ứng trước một mệnh lệnh bất hợp lý của trên. Song khi lâm trận, vẫn chiến đấu với tất cả sự can trường có thể.

“ …- Lệnh của thằng nào rởm thế?

Đại đội trưởng đại đội hai Quách Cường, đỏ mặt tía tai, hỏi trỏng.

-    Cậu nóng mà làm gì? Lệnh của Miền đấy.

Việt thủng thẳng trả lời

-    Miền cái con khỉ, Miền ở trên cao, có thấu hiểu quái gi tụi mình dưới này mà điều động….” (trang 41)

Cực kia là gã chính ủy phân khu khi giảng nghị quyết thì giáo điều tả khuynh đến mức: “học thuyết quân sự mác –xít chỉ ra là ta thắng, địch thua, nếu ta thua là do phương pháp chưa đúng.” Khi sau đã nhanh chóng ra rả trên loa chiêu hồi kêu gọi “các chiến binh Cộng sản qui hồi chánh nghĩa quốc gia”.

Chính vì không bị điều kiện hóa bởi tư duy ý thức hệ, nên “Mùa hè giá buốt” không bị sa vào lô-gic chủ quan: Ta - Địch (“ta cường - địch nhược” “ta dũng -   địch hèn” “ta thắng - địch thua”…Thường thấy trong mạch “cảm hứng sử thi”ở một số tác phẩm văn học viết về chiến tranh trước 1975. Cũng chính vì khảo sát cuộc chiến ở một góc nhìn gần như vậy, cho nên tuy có thể việc xem xét đánh giá những quyết định chiến dịch, chiến lược, chưa chắc đã phải là mục đích ban đầu. Song trong hơn một trăm ngày tham chiến của tiểu đoàn Bến Nghé vào đợt hai chiến dịch Mậu Thân, với những trận công kiên tơi tả “mười người vào chỉ một người ra”. Bài học lịch sử âm thầm được đúc rút trên những tổn thất, hy sinh là: chiến thắng không nên và không thể  được làm ra bởi những quyết định duy ý chí.

  Trở lại với âm điệu nền của tác phẩm. Theo các nhà nghiên cứu, thời thịnh vượng nhất của hát văn vào khoảng nửa sau thế kỷ 19. Trong bối cảnh nước mất, nhà tan, binh lửa triền miên, mù mịt như thế. Cái sự ...Can qua nhìn thấy nhãn tiền mà đau..., một cách vô ý, đã tái ngộ với nỗi đau chinh chiến. Trong “Mùa hè giá buốt”, xung quanh những con người Đức Thịnh, Bích Vân, Chung Cầm, Tạ Quốc Lỡi, chính trị viên đại đội Minh Trực, thượng nghị sĩ phu nhân, và đặc biệt là nhân vật chính: tiểu đoàn trưởng Nguyễn Sĩ Việt…người đọc luôn  thấy thấp thoáng câu hỏi, động cơ nào đã quyết định những suy nghĩ và ứng xử của họ? Điều gì đã khiến Sĩ Việt không phẩy tay để mặc đồng đội truy sát kẻ địch đang thất thế, điều gì khiến chiến sĩ liên lạc Đức Thịnh cộng cảm với điềm linh ứng từ con chó Riềng, điều gì khiến bà vợ một thượng nghĩ sĩ Việt Nam Cộng hòa có con trai vừa chết trận, lại dang tay che chở cho tốp Việt Cộng suốt một tuần trời. Rõ ràng, có một điều gì đó đã gặp nhau trong họ. Tại sao họ không hành xử như chính trị viên tiểu đoàn Cao Đăng Tình giáo điều nhưng cứng nhắc tư duy hoàn toàn theo nguyên lý, nhưng lại sẵn sàng giấu nhẹm vụ hạ sát tù binh. Hoặc vị chính ủy phân khu, khi đương nhiệm mở miệng là dẫn dụ Mác-Lê. Đến khi trở giáo chiêu hồi mới biết, chính ông ta là kẻ nghèo đói niềm tin nhất. Vậy điều gì đã khiến họ có thể gặp nhau? Phải chăng như tiểu đoàn trưởng Sĩ Việt đã dẫn giải: “làm sao có thể phân biệt rạch ròi được trong những gia đình, có một nửa người thân theo kháng chiến, một nửa the “quốc gia” tâm trạng bà mẹ sẽ thế nào? Thương đứa nào, bỏ đứa nào? Và rồi anh đã gọi tên điều đó, nó có tên là : đạo lý dân tộc. Một dân tộc binh lửa triền miên suốt chiều dài lịch sử, hẳn phải là một dân tộc khao khát hòa bình hơn bất kỳ dân tộc nào. Trong âm điệu bi thống của điệu Chầu văn có nỗi xót xa thân phận con người bị dập vùi trong cơn binh hỏa, trong tiếng quát chặn đứng cơn cuồng sát của đồng đội ở trại Tống Lê Chân của Sĩ Việt cũng là điều gì đó tương tự. Có một cái gì đó khó có thể diễn tả, vì nếu diễn tả e họ sẽ bị qui chụp là “mất lập trường”. Tuy nhiên, thoạt nghe có vẻ như vô lý song chính sự chênh vênh đó, lại khiến họ bình thản đi qua cuộc chiến khốc liệt, bình thản thưởng lãm tiếng chim họa my trong một ban mai yên ả, giữa không gian tanh nồng mùi chiến trận. Đặc biệt hơn nữa là họ vẫn yêu, thứ tình cảm kỳ diệu này luôn diễn ra với một tiết tấu nhanh, nhưng không đồng nghĩa với sự buông xả, bất cần. Tiết tấu dập dồn của tình yêu thời chiến chỉ là phần ngoại biểu, bên  trong nó là tâm thế nồng nàn say đắm của Sĩ Việt - Bích Vân, Duy Bình - Chiến, Chung Cầm và anh chàng bác sĩ phẫu thuật…hoàn toàn có thể lấp đầy bất kỳ không gian nào bên ngoài cuộc chiến. Họ gặp nhau như cuộc lương duyên của số phận, họ yêu nhau với tất cả sự say mê có thể. Không chút mặc cảm tội lỗi, can trường và thành thực đến mức khi người yêu hi sinh, Chung Cầm đã kiên quyết chối những tình cảm đến với mình để ôm giữ mỗi tình chung. Ở những trang cuối của “Mùa hè giá buốt”, chợt hiện lên với hình ảnh đàn sếu chấp chới bay ngang trời, những cú đập cánh “không nhanh, không chậm” của chúng như tiếng dư vang của điệu chầu văn bi thiết, âm thầm tiễn đưa những người lính dũng cảm của tiểu đoàn Bến Nghé đã bị cuộc chiến cướp đi sau hơn trăm ngày khốc liệt. Tuy nhiên, hình ảnh“đoàn quân âm thầm vượt qua nỗi đau, vượt qua nỗi thống khổ, đi về phía Bưng Còng, nơi mà sớm mai đây, mặt trời sẽ thức dậy.” (trang 564), lại ngân lên âm hưởng bi tráng của một bản anh hùng ca.

Viết về đề tài chiến tranh, và ngay cả viết về một chiến dịch cụ thể như chiến dịch “Mậu Thân 1968”, cũng không phải là một cái gì quá mới mẻ. Tuy nhiên, đối với tác giả “Mùa hè giá buốt”, một cựu binh đã từng ngang dọc trên chiến trường Đông Nam bộ, sau khi hoàn thành mỗi tác phẩm văn học về chiến tranh, như một người lính anh lại tiếp tục tiến lên phía trước. Có lẽ cũng như một số nhà văn từng mặc áo lính cùng thời, tìm tòi, đổi mới thi pháp tiểu thuyết không phải là cái đích anh tìm kiếm, chính vì thế mà tiếp nối những “Nếu anh còn được sống” và “Cao hơn bầu trời”… Trong “Mùa hè  giá buốt”, thế mạnh vẫn là vốn sống cuồn cuộn, là những trải nghiệm sinh - tử, những trải nghiệm không gì có thể thay thế. Tuy nhiên, với câu chuyện được trần thuật đơn nghĩa, trong thời gian tuyến tính với người dẫn chuyện “biết cả”, nhiều lúc đã “nói hộ” “nghĩ thay” nhân vật, nên không khỏi có khi dẫn đến sự áp đặt đáng tiếc: một cô thanh niên xung phong đau khổ đến điên dại trước cái chết của đồng đội, song lúc đối thoại với anh lính lại rành mạch, khúc chiết đến đáng ngờ (trang 347), một anh chàng binh nhất mới nhập ngũ Vũ Văn Bảng triết lý sâu sắc như một nhà văn…Có lẽ, vì chuyên chú vào cách thế này, nên câu chuyện trong “Mùa hè giá buốt” được kiến tạo chủ yếu từ các biến cố và hành động, vì thế nó đã bỏ qua nhiều cơ hội truy tìm, khám phá những ẩn mật trong thế giới tinh thần, thế giới cái Tôi, một trong những điều kiện tạo sinh cho nhân vật tiểu thuyết. Tuy nhiên, trên bình diện lịch sử thì những hành động, những biến cố, những sự kiện được khảo sát với cái nhìn của người trong cuộc chính là cơ hội để được nhìn lại. Bởi lịch sử không thể thay đổi, song những bài học lịch sử thì lại rất có ích cho tương lai. Vì thế, sự nhìn lại ấy luôn là điều cần thiết. Nhất là khi nó được thực hiện bởi một người lính đã từng thấm thía nỗi đau chiến tranh.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập173
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm160
  • Hôm nay29,095
  • Tháng hiện tại1,095,166
  • Tổng lượt truy cập28,395,640
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây