Thưa các thầy cô giáo cùng các bạn học sinh, em xin giới thiệu, em tên là Thu Uyên học sinh lớp 9C. Hôm nay em được đứng đây thuyết trình về một vấn đề gây lo ngại cho nhiều người , và vấn đề đó đang phát ra nhiều tín hiệu báo động khẩn cấp trong nhà trường ns riêng , trong toàn xã hội nói chung. Đó chính là nạn bạo lực học đường.
Ngày nay xã hội phát triển đời sống con người được nâng lên. Giới trẻ là thành phần được quan tâm nhiều nhất. Nhưng có phải xã hội đã và đang phát triển với tốc độ nhanh đến chóng mặt khiến cho con người có những đòi hỏi cao hơn trong cuộc sống? Có phải vì sự thay đổi đột ngột của xã hội mà hành vi, lối sống của học sinh, sinh viên ngày càng sai lệch? Chúng ta là lứa tuổi cắp sách đến trường, không ai có thể tránh khỏi những tranh cãi, xích mích đối với những người xung quanh. Trước đây đó là những việc quá đỗi bình thường, người ta cãi nhau như để tranh luận tìm ra lỗi sai của mỗi người, để tập nói lời xin lỗi, cảm ơn và đôi khi có thêm người bạn mới. Nhưng hiện nay những vấn đề này không chỉ đơn thuần là tranh cãi trong phạm vi nhà trường nữa mà dường như nó đã vượt lên trên tầm ảnh hưởng của pháp luật. Giờ đây nạn bạo lực học đường là 1 vấn nạn lớn gây đau đầu cho các nhà quản lí giáo dục và các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Chỉ cần chúng ta lên google đánh cụm từ “ học sinh đánh nhau ’’ thì chỉ cần 0.08 giây kết quả tìm kiếm là 3.140.000 cụm từ có lien quan đến học sinh dùng bạo lực để giải quyết những khúc mắc. Một con số thật khủng khiếp. Hoặc lên youtube sẽ thấy những hình ảnh video do học sinh quay lại tung lên mạng gây ám ảnh cho nhiều người và nỗi đau về 1 thế hệ trẻ. Vụ ba học sinh ở thành phố Vinh (Nghệ an) hành hung bạn, vụ học sinh Hà Nội hành hạ bạn giữa vườn hoa công viên: túm tóc, lột áo. Vụ học sinh trường THCS Chu Văn An (Tp Hồ Chí Minh) đánh bạn, quay phim… làm nhức nhối dư luận trong thời gian qua. Chưa hết bàng hoàng thì vừa qua vào tháng 5 năm 2010 học sinh lớp 10 ở trường THPT Hồng Bàng tỉnh Đồng Nai đâm chết bạn ngay tại cửa lớp. Thầy Nguyễn Văn Đạo (42 tuổi), dạy môn Vật lý của trường THPT Trần Quang Diệu, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi bị một nhóm học sinh đánh bị thương nặng phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đặng Thuỳ Trâm, huyện Đức Phổ. Những thông tin này trong một bài viết ngắn không thể đem lên hết được nhưng cũng đủ để chúng ta gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về sự suy đồi đạo đức của một bộ phận giới trẻ Việt Nam.. Vậy nguyên nhân của nó là gì? Nguyên nhân cơ bản là từ cá nhân học sinh bị tiêm nhiễm lối cư xử của những đối tượng bên ngoài nhà trường thậm chí là những người lớn trong gia đình. Chính thói quen ứng xử hằng ngày của họ đã vô tình gieo vào đầu óc con em mình những suy nghĩ không tốt cộng với độ tuổi vị thành niên học sinh thường có những suy nghĩ bốc đồng mang trên mình cái tôi cá nhân. Lòng tự trọng dần biến thành cục tự ái to đùng lúc nào không hay nên hay nổi nóng vì những chuyện không đáng và có khi gây nên những hậu quả khôn lường cho bản thân và cho người khác.Xã hội phát triển hầu như học sinh dùng facebook, zalo,… là rất nhiều. Do đó học sinh đã quá lạm dụng vào nó, dùng nó để xúc phạm cãi nhau gây nên bạo lực học đường. Khi xảy ra bạo lực học đường dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật ngoài xã hội chỉ là khoảng cách ngắn. Từ đó chúng ta nhận thấy rằng bạo lực học đường ảnh hưởng không hề nhỏ đến sự phát triển của học sinh, liệu với những tổn thương về thể xác và tinh thần như vậy có thể giải quyết được không? Những mầm mống tội ác từ khi chỉ mới trên ghế nhà trường sau này có gây nguy hại cho xã hội? Chúng ta thực sự phải đi tìm lời giải đáp để ngăn chặn vấn nạn này. Đầu tiên đó là ý thức mỗi con người: hãy tự yêu thương chính bản thân mình, mở rộng tấm lòng với bạn bè và gia đình. Bởi Macxim Gorki từng nói:’’ Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình yêu thương’’. Tình cảm là liều thuốc hữu hiệu nhất cho căn bệnh này, hãy sống chan hòa với bạn bè, học yêu thương những thứ nhỏ bé nhất xung quanh mình. Luôn ý thức được hành động, tự chủ bản thân chỉ cần 1 chút kiềm chế sẽ giúp ta có hành vi đúng đắn. Tiếp theo xã hội cần có những giải pháp đồng bộ, chặt chẽ giáo con người trong gia đình, nhà trường, trong toàn xã hội; coi trọng dạy kĩ năng sống. Hãy chung tay góp sức xây dựng 1 gia đình đầm ấm 1 ngôi trường thân thiện sẽ tạo ra những hạt giống tốt. Làm như vậy không phải là thả lỏng, mà vừa mềm mỏng vừa răn đe, giáo dục cải tạo mới thực sự ngăn cản bạo lực học đường. Đặc biệt phải ngăn chặn những sản phẩm văn hóa bạo lực ảnh hưởng tới tâm sinh lí của học sinh. Làm được những điều đó, 1 phần nào ta đã cùng nhau đẩy lùi được nạn bạo lực học đường, mang về cho tuổi trẻ 1 môi trường lành mạnh và trong sáng.
Tóm lại, bạo lực học đường xuất phát từ nhiều khía cạnh của xã hội và gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của giới trẻ, mặc dù đang gia tăng và có chiều hướng xấu nhưng chỉ cần chúng ta hiểu rõ được nguyên nhân thì không phải là không thể ngăn chặn được. Tự mỗi người phải rút ra bài học cho riêng mình, sống thật ý nghĩa, giải quyết mọi việc bằng cách nói chuyện đàm phán chứ không phải là nắm đấm
Bài thuyết trình của em đến đây là hết. Cảm ơn quý thầy cô giáo cùng các bạn đã lắng nghe