Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 20/11/ 2024 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức tọa đàm và vinh danh Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Trâm.

Xem tiếp...

Hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ từ cuộc sống bước vào ....

Thứ tư - 31/07/2019 12:16
Nói về người lính, nói về chiến tranh, nói về những chiến thắng vinh quang không thể không nói về những mất mát, đau thương mà người lính Cụ Hồ từng gánh chịu.


                                 Ðoàn Vệ quốc quân một lần ra đi 
                                Toàn thắng vinh quang ghi ngày trở về 
                                 Ra đi ra đi bảo tồn sông núi 
                                 Ra đi ra đi thà chết chớ lui …
      Vâng! Những ngày này, ca khúc “Đoàn vệ quốc quân” đang ngân lên khắp nơi trong không khí cả nước hướng tới kỉ niệm 73 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2017). Vệ quốc quân là cách gọi tên các chiến sĩ của đội “Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” - đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của “Quân đội nhân dân Việt Nam” ngày nay. Những bản hùng ca như thế thành lời hiệu triệu, thành hành trang của tuổi trẻ Việt Nam trong những năm tháng trường kỳ gian khổ chống giặc ngoại xâm. Và hôm nay, hòa chung không khí nao nức của cả nước, tôi được đứng đây trong tiết chào cờ đầu tuần của tháng 12 để được trao đổi với các bạn về Ngày truyền thống của cả dân tộc qua hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ từ cuộc sống bước vào trang sách.
Các bạn biết không?
      Chúng ta thật may mắn được sinh ra và lớn lên khi đất nước không còn một bóng giặc. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta không có nhiều cơ hội được tiếp xúc với các anh Bộ đội Cụ Hồ. Nhưng qua lời kể của ông bà, bố mẹ, qua những trang sách, những bài giảng của thầy cô, những vần thơ, tiếng hát, ta hiểu rõ hơn về các anh bộ đội, những người đã cống hiến tuổi xuân và cả xương máu của mình để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
      Sự ra đời của Quân đội ta cách đây 73 năm là một sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam có một Quân đội kiểu mới do Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục, rèn luyện. Quân đội từ nhân dân mà ra, trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội - quân đội đã cùng toàn dân tạo nên những chiến công hiển hách, những mốc son chói lọi trong những trang sử vẻ vang của dân tộc ngàn năm văn hiến, anh hùng.
      Những tháng năm đầu mới thành lập, quân đội ta phải chịu biết bao thiếu thốn gian khổ. “Cứu quốc quân” (vệ quốc quân), thành viên của quân đội, chính là các tầng lớp nhân dân bị áp bức. Họ xuất phát từ những người nông dân áo vải “quê hương anh nước mặn đồng chua/ làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”; “lũ chúng tôi/ bọn người tứ xứ/ gặp nhau từ hồi chưa biết chữ/ quen nhau từ buổi một – hai…”. Họ xuất phát là những học sinh sinh viên nơi thị thành tạm gác bút nghiên lên đường đi kháng chiến “Nhớ hôm ra đi đất trời bốc lửa/ Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng/ Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/ Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm/…Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”. Họ đã để lại tất cả ruộng vườn, nhà cửa, để lại những giấc mơ bay bổng tuổi thanh xuân để xông ra chiến trận “ruộng nương anh gửi bạn thân cày/ gian nhà không mặc kệ gió lung lay”; “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm…”
      Trong những cuộc kháng chiến trường kì, các anh bộ đội Cụ Hồ đã phải trải qua muôn vàn gian khổ, hi sinh. Đọc những câu thơ của Tố Hữu ta không khỏi xúc động:
                       Chiến sĩ anh hùng 
                       Đầu nung lửa sắt 
                       Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt 
                       Máu trộn bùn non 
                       Gan không núng 
                       Chí không mòn! 
                       Những đồng chí thân chôn làm giá súng 
                       Đầu bịt lỗ châu mai 
                       Băng mình qua núi thép gai 
                       Ào ào vũ bão...
      Và sau những năm tháng gian lao vào sinh ra tử ấy, các anh bộ đội đã chia ngọt sẻ bùi và gắn bó tha thiết trong tình cảm đồng chí, đồng đội:
                       “Súng bên súng đầu sát bên đầu
                       Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
      Những con người ấy đã vượt qua khó khăn, thử thách bằng sự kiên cường, dũng cảm, ý chí quật cường để làm nên những chiến công lịch sử vang đội địa cầu: “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
      Với tinh thần và khí thế mạnh mẽ “Ra đi bảo tồn sông núi/ ra đi thà chết không lui”, đương đầu hết đế quốc này đến đế quốc khác, Quân đội ta đã đạp bằng mọi chông gai thử thách, vượt lên tất cả mọi trở ngại khó khăn, kìm nén nỗi đau chia cắt non sông, quyết tâm “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” để Bắc-Nam sum họp một nhà. Anh vệ quốc quân trong kháng chiến chống Pháp hóa thân thành anh giải phóng quân trong kháng chiến chống Mỹ trong tư thế quật cường:
                       Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất 
                       Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng 
                       Và Anh chết trong khi đang đứng bắn 
                       Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng. 
                       Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng 
                       Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn 
                       Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm 
                       Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công.
      Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, chính tình yêu quê hương đất nước, tình đồng chí đồng đội, tình quân dân đã giúp các anh vượt qua bao gian nan thử thách, vượt qua mưa bom bão đạn trên chiến trường Trường Sơn khói lửa. Vì yêu nước, yêu hòa bình nên với người lính “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, đường ra trận màu nào cũng đẹp, đường ra trận là điểm đến của khát vọng khẳng định mình của tuổi trẻ “Trường Sơn đông nắng, tây mưa/ ai chưa đến đó như chưa rõ mình”. Họ lên đường đánh giặc với niềm yêu đời, yêu con đường ra trận:
                       "Xe không kính không phải vì xe không có kính
                       Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
                       Ung dung buồng lái ta ngồi
                       Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”
      Niềm lạc quan, trái tim tin yêu cuộc sống chính là động lực giúp họ vững vàng trên con đường ra trận
                       "Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
                       Chỉ cần trong xe có một trái tim“
      Tinh thần chiến đấu quên mình của các anh đã tạo nên “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”:
                       Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất
                       Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân
      Sau những trận chiến đấu gian khổ, những người lính lại có những giây phút đời thường bình yên bên nhau:
                       Cạnh giếng nước có bom từ trường 
                       Em không rửa ngủ ngày chân lấm 
                       Ngày em phá nhiểu bom nổ chậm 
                       Ðêm nằm mơ nói mớ vang nhà 
                       Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa 
                       Thương em, thương em, thương em biết mấy... 
      Và trên đường ra trận không chỉ có tiếng bom gầm, súng vang mà còn có những giai điệu thiết tha của tuổi trẻ:
                       Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
                       Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
                       ...Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây
      Trong cuộc kháng chiến này, hình ảnh người lính đã hòa làm một với hình ảnh của dân tộc, của đất nước:
                       Ôm đất nước những người áo vải
                       Đã đứng lên thành những anh hùng
      Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ được ví như “Thạch Sanh của thế kỉ XX”, quyết tâm đem tất cả ý chí và lòng yêu nước đánh đuổi giặc ngoại xâm, cho kẻ thù và cả thế giới thấy được sức mạnh “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” của dân tộc Việt Nam.
      Nói về người lính, nói về chiến tranh, nói về những chiến thắng vinh quang không thể không nói về những mất mát, đau thương mà người lính Cụ Hồ từng gánh chịu. Họ có thể hy sinh bản thân hay mất đi những người thân yêu nhất của mình. Còn đó những câu thơ:
                       Nhưng không chết 
                       người trai khói lửa 
                       Mà chết 
                       người gái nhỏ hậu phương 
                       Tôi về 
                       không gặp nàng 
                       Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối 
                       Chiếc bình hoa ngày cưới 
                       thành bình hương 
                       tàn lạnh vây quanh 
   Hay:
                       Hôm nay nhận được tin em
                       Không tin được, dù đó là sự thật
                       Giặc bắn em rồi quăng mất xác
                       Chỉ vì em là du kích em ơi
                       Đau xé lòng anh chết nửa con người
      Những nỗi đau ấy của người lính, của dân tộc, cho ta hiểu hơn, yêu hơn, trân trọng hơn giá trị của hòa bình.
      Thưa tất cả các bạn!
      Đất nước ta đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử với biết bao thăng trầm. Biết bao lớp người đã phải đổ xương máu để chúng ta được sống hoà bình, ấm no, hạnh phúc trên chính đất nước Việt Nam - Một quốc gia độc lập, tự do, có chủ quyền. Hơn ai hết, tất cả chúng ta, những người Việt Nam yêu nước chân chính đều tự hào về điều đó, và sẵn sàng bảo vệ những giá trị cao đẹp mà cha ông đã giành cho mình.
      Tổ quốc trong chúng ta vẫn luôn thao thức trở trăn khi chủ quyền bị đe dọa:
                       Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
                       Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
                       Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
                       Trong hồn người có ngọn sóng nào không
       Và chúng ta biết, chúng ta luôn sẵn sàng:
                       Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
                       Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
                       Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
                       Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi.
      Trong cuộc sống này, mỗi con người đều là một giá trị. Mỗi chúng ta cần có hoài bão, ước mơ, có lý tưởng để theo đuổi, phấn đấu để "phải có danh gì với núi sông". Bởi vậy, chúng ta cần phát huy các truyền thống tốt đẹp đã và đang có. Đó là tình yêu quê hương đất nước, yêu dân tộc, yêu cái đẹp hòa bình.
      Vâng ! Câu hát “Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi” lại cất lên. Cảm ơn ca khúc vì đã cho chúng ta biết những chặng đường hào hùng đáng nhớ của bao thế hệ cha anh, để ngày hôm nay, chúng ta có quyền tự hào và biết mình sẽ phải làm gì, cho tương lai đất nước hôm nay và mai sau.

Tác giả bài viết: Lê Phan Thảo Vy - 8B

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập300
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm299
  • Hôm nay60,236
  • Tháng hiện tại1,358,396
  • Tổng lượt truy cập39,829,543
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây