Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 20/11/ 2024 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức tọa đàm và vinh danh Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Trâm.

Xem tiếp...

Tham luận về vấn đề "Học tập"

Thứ tư - 31/07/2019 11:58
Môi trường học tập tốt không phải là nơi gom về đó nhiều bạn giỏi mà ích kỉ. Giỏi mà ích kỉ thì chưa phải là giỏi...
 Kính thưa Đại hội !
      Thay mặt cho tập thể lớp 8B, em xin trình bày ý kiến tham luận về vấn đề học tập
      Đối với mỗi cá nhân học sinh, để học tập tốt, theo ý kiến của em, cần có hai điều kiện: Điều kiện thứ nhất, là cần có ý thức tự học. Việc học phải xuất phát từ nhu cầu của bản thân. Trước khi nó thành nhu cầu thực sự (kiểu như: không học không được, không học cứ thấy mình như lạc hậu, như thua thiệt bạn bè, như cũ đi, như thiếu thốn điều gì đó mỗi ngày), trước khi trở thành ý muốn thực sự, thì mỗi người cần rèn luyện thói quen. Cần tạo thói quen, nề nếp cho việc học theo thời gian biểu chặt chẽ, “học ra học, chơi ra chơi”, đã học là đúng giờ, đã học là tập trung, đã học là hoàn thành xong những nhiệm vụ đặt ra rồi mới nghỉ ngơi. Nếu không rèn thói quen đó, học tùy tiện, gặp bài tập có độ khó vừa phải đã cho mình tạm nghỉ, thì ý chí sẽ cùn mòn, hứng thú khám phá cái hay cái mới sẽ không có. Không có hứng thú, chắc chắn việc học chỉ là công việc bị ép buộc bởi bên ngoài – bởi bố mẹ, thầy cô.
      Nhu cầu là những mong muốn xuất phát từ bên trong, từ chính bản thân mình. Khi chúng ta tự rèn được cho mình nề nếp sinh hoạt và học tập, chúng ta sẽ cảm thấy quen với việc học, sẽ thấy thiếu khi không học, chưa học, sẽ thấy hứng thú say mê khi học bài, say mê giải bài, say mê khám phá những điều thú vị, hấp dẫn thường tỉ lệ thuận với độ khó của các nhiệm vụ học tập.

      Ý thức tự học còn thể hiện ở ý thức tự tìm hiểu, học hỏi từ người khác. Chúng ta có thể học người khác bằng sự quan sát, suy ngẫm mà không nhất thiết phải “hỏi”. Nhưng, tốt nhất là cần học người khác bằng cả quan sát, suy ngẫm và “hỏi” trực tiếp. Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học mà! Trong việc học, thì dù hỏi ai cũng không nên có tâm lý e ngại, xấu hổ - cổ nhân có câu “Học bất sỉ hạ vấn”, có nghĩa là trong việc học, dù có phải hỏi người dưới, cũng không xấu hổ. Với “người dưới” còn thế, thì với bạn bè, với thầy cô, với mọi người, với việc đi tìm sách vở thông tin, vv… chẳng việc gì phải e ngại cả; chúng ta cần học tập một cách tích cực, trước hết để mở rộng – đào sâu - nâng tầm hiểu biết của bản thân mình.
      * Điều kiện thứ hai, là biết lựa chọn và vận dụng phương pháp học, cách học hiệu quả nhất. Phương pháp học thì nhiều, với học sinh trung học cơ sở, theo em nên chú ý mấy điểm về cách học
      - Học ở nhà:
      + Bước chuẩn bị trước khi học bài mới: đọc trước, tìm hiểu trước, chuẩn bị trước để có thể tiếp cận bài học mới một cách tập trung, chủ động. Với bài khó, có thể ghi lại những băn khoăn của mình về bài học để trong quá trình học ở lớp sẽ cố gắng tự giải đáp hoặc hỏi thầy cô, bạn bè
      + Học bài cũ, làm bài tập của bài đã học, làm thêm bài tập: Việc học bài cũ các bạn thường tiến hành trong đêm trước khi học bài mới kế tiếp ở lớp. Trước khi học bài mới, xem lại bài cũ thì cũng tốt. Nhưng việc ấy nên làm ngày sau khi học bài đó ở lớp về, càng sớm càng tốt. Học ngay như thế sẽ nắm chắc kiến thức và sẽ lâu quên. Làm bài tập là để khắc sâu và để vận dụng lý thuyết, vận dụng vào thực tế đời sống. Khi tự học, chú ý thường xuyên liên hệ, và cố gắng vận dụng kiến thức vào đời sống bằng cách hình dung các tình huống dùng đến kiến thức ấy, tạo ra tình huống để kiểm nghiệm kiến thức, gặp tình huống thì vận dụng.
      - Học ở lớp:
      +  Nghe, chú ý theo dõi cách thực hiện các nội dung bài học của thầy cô và các bạn.
      + Tích cực tham gia, nhập cuộc vào việc học của cả lớp: ghi chép kiến thức, ghi chép ví dụ, tìm thêm ví dụ, vv. Xung phong tham gia giải bài tập, trả lời câu hỏi – nếu trả lời sai thì hãy chú ý câu trả lời đúng là gì, rồi tìm cách tự lý giải vì sao mình sai, mình sai ở khâu nào, nếu thầy cô chỉ ra cho mình vì sao sai thì càng tốt, để hiểu bài chắc chắn hơn; đừng xấu hổ khi trả lời sai hay làm sai. Hãy nghĩ rằng: Sai nghĩa là chưa đúng (chứ không phải không đúng). Sau khi hiểu vấn đề, mình sẽ không sai nữa.
      + Tìm cách tự giải đáp những băn khoăn, trao đổi với bạn, bè thầy cô những nội dung khó.
      - Học trong cuộc sống:
      + Sách báo, tạp chí cần đọc có định hướng, có mục đích; không đọc tràn lan. Muốn thế, với từng môn học, cần trao đổi với thầy cô, để được tư vấn nên đọc thêm những gì. Văn học tuổi trẻ, Toán tuổi thơ, Thiếu niên tiền phong, Hoa học trò, vv là những tạp chí dành cho lứa tuổi của chúng ta, có lẽ không cần định hướng quá nhiều; nhưng sách báo tràn lan ngoài thị trường thì cần được hướng dẫn chọn lựa.
      + Học bằng cách quan sát, ghi chép những điều xung quanh, những trải nghiệm trong cuộc sống.
      + Tìm kiếm thông tin trên mạng: tìm kiếm có chủ đích, chọn từ khóa để không mất quá nhiều thời gian, lãng phí thời gian.
      - Rèn luyện phương pháp đọc nhanh, tính nhanh, nghe nhanh.
      Đối với một tập thể lớp, thì quan trọng nhất là cần có phong trào học tập. Phong trào học tập thể hiện trong môi trường học tập.
      Môi trường học tập tốt không phải là nơi gom về đó nhiều bạn giỏi mà ích kỉ. Giỏi mà ích kỉ thì chưa phải là giỏi. Môi trường học tập của tập thể lớp phải là môi trường tích cực, ham hiểu biết, thi đua nhau học, giúp đỡ nhau tiến bộ, ai cũng hăng hái, sẵn sàng chia sẻ thông tin, làm giàu kiến thức cho nhau. Ví dụ, đọc một cuốn sách hay, chuyền tay cho bạn đọc để cùng cảm nhận những giá trị của cuốn sách. Gặp bài toán khó, thú vị, lên lớp thách đố nhau giải được. Đọc hay nghe được một câu chuyện lịch sử, lên lớp kể cho bạn nghe. Khám phá được một điểm du lịch thú vị, một vùng đất mới qua kênh thông tin nào đó, nói cho bạn biết. Cả lớp cùng tận dụng thời gian để trao đổi thông tin, bài vở với nhau.
      Ở lớp em, luôn có tâm lý chờ đợi Toán tuổi thơ hay Văn học tuổi trẻ hàng tháng. Với các chuyên mục của các tạp chí, chúng em đều đọc kĩ, thầy chủ nhiệm thường “đố” chúng em làm.  Những sản phẩn của chúng em được thầy tư vấn tỉ mỉ, cẩn thận. Mỗi góp ý của thầy đều gợi cho chúng em những điều thú vị, hấp dẫn; mỗi góp ý như làm sáng lên trong chúng em những suy nghĩ, liên tưởng về những cách làm, cách giải hay. Chính vì thế mà các bạn ở lớp 8B thường xuyên có tên trên các chuyên mục của tạp chí Toán tuổi thơ, Văn học tuổi trẻ hàng tháng. Cùng với sự hứng thú thì để môi trường học tập tốt, còn có sự kiểm tra, theo dõi, giúp đỡ của thầy cô, ban cán sự lớp, đặc biệt là lớp phó học tập, các tổ trưởng trong việc theo dõi ý thức học tập của mỗi thành viên lớp mình
Để một tập thể lớp có môi trường học tập tốt không phải là điều dễ dàng. Đòi hỏi tất cả mỗi thành viên phải nỗ lực, cố gắng, say mê.
      Trên đây là những ý kiến tham luận của lớp em. Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các thầy cô và các bạn để bản tham luận hoàn thiện hơn.
      Xin chân thành cảm ơn mọi người đã lắng nghe. Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Tác giả bài viết: Nguyễn Ngọc Mai - 8B

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập286
  • Hôm nay54,765
  • Tháng hiện tại1,641,296
  • Tổng lượt truy cập40,112,443
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây