Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Quân đội Nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, quân đội của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện.

Xem tiếp...

Anh trai

Thứ tư - 31/07/2019 11:48
Nó là con một. Có nghĩa là trong nhà không ai tranh ti vi, không ai tranh những món ăn khoái khẩu, không ai giành quà của ba mẹ mỗi khi đi công tác về… Và cũng không có ai chơi cùng, không có ai bênh vực mỗi khi nó bị lũ bạn nghịch như quỷ sứ trêu chọc ...
Nó ước ao bao lần mình có một người anh trai, thậm chí đã từng dại khờ hỏi bố rằng sao không đưa về cho nó, thậm chí sang giành anh trai của con bạn nhà bên.       Trong tưởng tượng của nó, anh trai như mấy “soái ca” trong  bộ phim tình cảm Hàn Quốc mà nó thường thấy trên TV, nghĩa là đẹp trai, ga-lăng, hào hiệp và đặc biệt luôn bảo vệ nó. Nhưng mơ ước mãi chỉ là ước mơ…
Năm nó chuẩn bị lên lớp 8, bố mẹ  đi công tác mấy tháng trong Nam, nó được xách ba lô về ở với bà ngoại. Quê ngoại nó là một xã ven phố huyện, nơi có những cánh đồng lúa trải dài ngút mắt, có những ao đầm nối nhau, và có dòng sông nước trong veo chảy quanh co dọc con đê xanh mướt… Trong mắt một đứa trẻ nghịch ngợm như nó thì quê ngoại là một thiên đường. Nhưng điều tuyệt vời hơn cả là về quê ngoại nó có… anh trai. Anh trai, chính xác hơn là người anh con cậu sống ngay cạnh nhà ngoại và cũng sêm sêm tuổi nó. Nhưng… anh trai ngoài đời không hề giống trong tưởng tượng dù anh cũng rất cao to nhưng gầy và đen nhẻm, cũng chẳng ga-lăng mà lại thường xuyên trêu chọc nó.
Và thế là bắt đầu những tháng ngày nghỉ hè điệp khúc:
-         Ê ! Thúi đi chơi với tao không?
-         Không được gọi em là “Thúi”! Em có thúi đâu!
-         Lêu lêu… đồ hôi như chuột chù!
-         Không được gọi em là “chuột chù”! Hu hu….Bà ơi, anh Hùng trêu cháu!
Thế rồi, nó lăn ra ăn vạ, ngồi bệt giữa nhà, giãy nảy rồi òa khóc. Trước món võ đặc trưng của con gái, anh nó chỉ có nước giơ tay xin hàng, nghe lời bà, xin lỗi nó mà không quên kèm theo lời cảnh cáo:
-         Từ nay đừng có đi theo tao nữa nhé cái đồ… đồ “thơm”!
Chuyện thế này. Nó vốn tên là Hiền, nhưng bà nó lại thường gọi là Thúy, theo như mẹ nói thì đó là tên bà đặt cho nó hồi nhỏ. Còn anh Hùng thì nghe được tên nó thế bèn cải ngay là “Thúi” với lí do là… cho dễ nhớ. Và tất nhiên mỗi lần anh gọi thế là nó lại giãy nảy lên ăn vạ. Anh nó biết thế nên càng trêu. Í éo trêu nó suốt ngày thế nhưng đi đâu anh cũng đưa nó đi cùng, mà ở quê thì bao nhiêu điều hấp dẫn và quyến rũ khiến nó mê tít. Rồi nó trở thành cái đuôi bất đắc dĩ của anh. Thật ra, thì anh cũng muốn nó đi cùng  trong các trò chơi bởi nhiều khi nó cũng có ích, ví dụ như trở thành tên sai vặt bất đắc dĩ.
-         Thúy, cầm cho anh cái túi thính.
-         Thúy, cầm luôn cái ống bương.
-         Này, mày quay trở lại lấy cái oi, anh để quên bên giếng ấy!
Và những lần như thế nó lại quay như chong chóng, chạy đi chạy lại mặt đỏ bừng lên. Nhưng vì sự hấp dẫn của những lần cất rớ mà nó quên hết cả mệt, quên hết cả giận dỗi dù thằng anh cố ý trêu nó.
Không hấp dẫn sao được! Này nhé, sáng tinh mơ, mặt trời vừa mới lấp ló sau rặng tre, anh nó vác mấy chục cái rớ rón rén đặt bên mép ao, rồi vãi thính. Mà trời nồm nên tép lên ăn đặc biệt nhiều, cứ nhảy tanh tách nhìn mà mê ly. Đặt hết một vòng, anh quay trở lại nhấc rớ. Chao ơi, tay anh nhấc cái rớ vừa to vừa nặng mà cứ  khéo léo như tay nhà nghề, rồi thoăn thoắt hắt đám tép vào rổ, cứ như biểu diễn xiếc khiến nó nhìn không chớp mắt. Xem anh làm một lần… hai lần… ba lần, nó quyết định xin thử. Anh nhìn nó với ánh mắt không tin được:
-         Mày làm được?
-         Thì anh cứ cho em thử đã, không thử sao biết!
          Thôi được mày nhìn anh làm lần nữa cho kĩ nhé! Vừa nó anh vừa làm và hướng dẫn nó. Nào thì tay cầm phải chắc, động tác phải nhanh và gọn; nào thì thả thính phải nhóm vào giữa, nhấc lên phải nhẹ nhàng. Và nó vừa gật đầu vừa hình dung rằng mình sẽ làm ngon ơ.
Sau lý thuyết, công đoạn thực hành bắt đầu. Thoạt đầu nó cũng tự tin lắm. Nào là mở rớ, thả thính, nhẹ nhàng đến cạnh ao. Dốc xuống bờ ao trơn, suýt nữa thì nó ngã dúi khi đặt rớ, may mà có tay anh. Hoàn thành! Yeah! Yeah!! Anh nó nhìn nó nhảy tưng tưng thì cắt ngang: “Chuẩn bị cất rớ!”. Nó cụt hứng thu ngay cái mặt tí tởn vì thắng lợi bước đầu, lẩm bẩm: “Đúng là kìm hãm sự sung sướng!” Thế nhưng ngay sau đó nó nghiêm túc chuẩn bị thực hiện công đoạn hấp dẫn nhất - cất rớ. Chỉ tưởng tượng đến cảnh tự tay mình cất những con tép trắng tinh đang nhảy tanh tách trên rớ là nó đã sướng rơn, rồi lại nghĩ về cảnh sau này có bao điều khoe với lũ bạn khiến chúng thèm thuồng… nó thấy lâng lâng… Và… trong cảm giác lâng lâng ấy, nó trượt tay… rồi bay thẳng xuống hồ. Chới với! Sặc! Đạp bì bõm! Dù đã tham gia mấy khóa học bơi, nó trở thành con vịt cạn đúng nghĩa vì quá sợ. Còn anh nó, ngay lập tức nhảy xuống hồ kéo con vịt sũng nước lên, vừa kéo vừa mắng: “Rõ là vụng về mà. Có từng ấy mà làm cũng không xong! Gọi mày là “hậu đậu” thì chính xác hơn đấy!”. Sau sự cố bất ngờ ấy, về nhà anh nó bị bà mắng cho một trận vì tội dại. Nào là em nó còn bé, nào là nó trên thành phố thì bơi với biếc gì, nào là mày xui dại em… Anh đứng bên cạnh, mấy lần mở miệng muốn thanh minh nhưng không kịp há mồm nói được câu nào. Còn nó, biết thân biết phận nên cũng ngồi im thin thít. Vậy nhưng, có lẽ vì thương nó thành con chuột lột mà anh chẳng giận, cũng chẳng mắng gì thêm. Không những thế, trưa đó còn lúi húi bưng sang cho hai bà cháu bát cánh tép nấu khế thơm lừng. Nó nhìn anh với ánh mắt long lanh vô số tội gửi hàm ý cảm ơn. Còn anh thì đe: “Mày đừng có mà theo anh nữa nhé!”
Thế nhưng, lời đe dọa ấy cũng chỉ có hiệu lực được hai ngày. Ngày thứ ba, nó quen chân nhót ra cổng theo anh đi chơi từ sáng sớm. Bao nhiêu là trò hay! Thứ thì đi cào lá, đi chăn bò, rồi đánh trận giả... nó chơi đến say mê! Nhưng trò mà lũ trẻ con trong xóm chơi không biết chán là trêu ngỗng.
Là thế này… Ngay đầu xóm nhà bà nó có nhà bà Lan nuôi một đàn ngỗng tới chục con. Những con ngỗng lông trắng tinh, có lớp cánh bên ngoài màu xám. Tất cả đều to và dữ dằn như nhau. Chúng kêu quàng quạc cả ngày. Và đặc biệt, mỗi khi lũ trẻ trong xóm trêu chọc là mỗi lần bị chúng đuổi chạy tứ tán, có đứa còn bị cắn sưng khắp người. Nó rất sợ. Vậy mà anh cứ thích trêu chúng. Anh thường ngồi trên xe đạp huýt sáo rồi ném một vật nào đó khiêu khích đàn ngỗng. Chao ôi! Nó không thể tả được cái tiếng kêu pha trộn giữa sự tức giận lẫn vui mừng khi được tấn công kẻ thù bao lâu nay…
Một buổi trưa nọ, anh vẫy tay ra hiệu cho nó. Nó rón rén nhảy phóc qua chân bà ra ngoài, tiến về phía anh:
-         Đi trêu ngỗng với tao không?
Nó rùng mình :
-         Không… Em sợ lắm.
    - Sợ gì mà sợ, đã có tao ở đây rồi mà còn sợ! Mày cứ như vậy chúng nó càng dọa. Mày phải cho chúng biết tay chứ. Hơn nữa, mày đi với tao, tao chở, chúng đuổi không kịp đâu.
Nghe thấy cái lí thuyết mùi mẫn ấy, nó thấy bùi tai, leo ngay lên xe anh, chuẩn bị cho cuộc nghênh chiến. Anh đạp nhanh như  bay. Nó bám chặt vào lưng anh, mồ hôi nhễ nhại, tim đập thình thịch. Đến nhà bà Lan, quen thói cũ, thoạt đầu anh rón rén vào sân, mở lồng, rồi lấy một cái sào dài chọc cho con ngỗng đầu đàn rõ đau. Và thế là bắt đầu một màn rượt đuổi. Anh đạp xe đèo nó đằng trước, đàn ngỗng cũng chẳng chịu thua. Chúng chạy theo xe thỉnh thoảng vỗ cánh bay phành phạch nhiều khi tưởng chừng như gần đuổi kịp. Tai họa bất ngờ là xe đạp bỗng dưng tuột xích. Hai anh em nó ngã nhào ra đường. Mấy con ngỗng cũng chẳng cần đuổi nữa vì mục tiêu đã ngay phía trước. Con ngỗng đầu đàn lao lại gần đớp vào chân nó thì anh đã lao lên chắn ngang. Con ngỗng mổ liên tục vào lưng anh. Anh vội đẩy nó về phía trước :
-         Chay đi! Nhanh lên!
-         Nhưng mà... anh thì làm sao!
-         Mày yên tâm, anh mày thừa sức chống lại chúng.
-         Anh cố lên nhé, em sẽ tìm người giúp!
Nó vừa mếu máo vừa chạy thật nhanh vào xóm. Một lúc sau, nó gọi được bác Lan ra giải cứu anh. Quần áo anh rách bươm, chi chít những vết bầm tím trên cổ, trên lưng... Đã thế, về nhà anh còn bị đánh năm roi và bị mắng tơi bời vì to đầu mà dại. Còn nó vừa tìm dầu xoa cho anh vừa xuýt xoa :
-         Anh đau lắm phải không?
    - Nhằm nhò gì! Anh mày còn chinh chiến nhiều lần hơn thế ấy chứ! (Mạnh miệng thế nhưng mặt anh nó đang nhăn lại vì đau!). Xin lỗi mày nhé, anh làm mày sợ!
- Không, em không sợ nữa đâu! Nhưng sau này anh đừng nghịch thế nữa nhé, đau lắm !
-         Được rồi, đúng là mít ướt!
*
Lớn hơn một chút, bố mẹ đưa nó và anh lên Thị xã sống cùng vì bố mẹ anh đi làm ăn xa. Sáng sáng, anh chở nó đi học, chiều về anh đón nó cùng về. Bây giờ anh không còn xưng “mày - tao” mà xưng “anh – Hiền” nghe ngọt xớt. Có anh, nó đỡ vất vả hơn hẳn khi chiến đấu với mấy môn tự nhiên khó nhằn, có anh nó có người chia sẻ việc nhà, có người xem tivi cùng dù rằng hai anh em vẫn luôn ầm ĩ. Tính nó rụt rè nên thường bị lũ con trai trêu đùa. Anh luôn là người đứng ra bảo vệ cho nó. Có lần nó bị một anh lớp trên bắt nạt. Anh đã bí mật đi theo hắn về nhà nói với bố mẹ hắn tội trêu em gái anh. Anh còn cảnh cáo: “Từ nay mà còn trêu em gái tao thì mày coi chừng đó!”  Và từ đó lũ con trai rỉ tai nhau rằng cái Hiền nó có anh trai bênh vực, đừng dại mà trêu vào. Chẳng biết từ bao giờ, với nó anh trở thành anh trai - người anh trai như nó hằng ao ước.
Những tháng ngày bình yên cứ thế trôi qua, cho tới ngày anh vào đại học. Nó phải chia tay anh, tạm biệt chỗ dựa tinh thần vững chãi.  Ngày anh đi, nó lấy cớ bận học thêm không ra tiễn nhưng lại âm thầm nấp một góc nhà ga. Nhìn hình dáng gầy gầy, dong dỏng của anh đứng trên sân ga cứ ngoái lại tìm kiếm, nó bật khóc, tự nhủ thầm: Anh đi mạnh giỏi, anh trai!

Tác giả bài viết: Nghiêm Thanh Hiền - 8B

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập210
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm209
  • Hôm nay88,979
  • Tháng hiện tại1,593,245
  • Tổng lượt truy cập42,165,318
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây