Mới ngày đầu nhập học, trong sự bỡ ngỡ rụt rè, ngôi trường này đối với tôi thật mới mẻ và xa lạ. Cho tới khi tôi gặp được cô - người đã ân cần dìu dắt lũ nhóc 6A bước vào thế giới cấp 2 rộng mở - cô Hồng Minh.
Qua bao năm cô vẫn vậy. Dáng người cao cao, làn da sẫm màu cùng vài ba bộ đồ giản dị. Cô rất ít khi mặc váy. Theo học cô hơn 2 năm, tôi mới chỉ thấy một lần vào Lễ Khai giảng.
Nhớ năm đó, đang nhốn nháo, tay bắt mặt mừng gặp được bạn cùng lớp, cùng trường cấp 1 - chúng tôi như bầy ngỗng trời huyên náo - thì cô bước vào, miệng nở nụ cười rạng rỡ, làm mờ cả ánh nắng sau lưng.
Cô ra hiệu ngồi xuống rồi nhỏ nhẹ: “Chào các em! Cô tên là Hồng Minh, giáo viên chủ nhiệm mới của các em... ừm... cô cũng thấy thiệt thòi cho lớp chúng ta vì cô già rồi, lại hay quên nữa... nhưng cô sẽ cố gắng đưa lớp ta tiến bộ nha!”
Rồi cô gượng cười, hàm răng hơi méo nhìn vừa thấy mến vừa thấy hay hay. Chắc lúc đó cô không biết rằng, chúng tôi có cảm thấy thiệt thòi tí nào đâu, vì dù sao, được một vị “trưởng bối” của trường dẫn dắt thì tự hào còn không kịp ấy chứ!
Cô dạy bọn tôi môn Sinh học. Nhờ cô, chúng tôi biết được rất nhiều điều xung quanh. Cách dạy của cô cũng rất đặc biệt. Không chỉ gói gọn trong sách vở, cô luôn cho chúng tôi tự trình bày những điều mình biết về con vật, loài cây đó. Quả thật, tiết học thực tế sinh động - không lý thuyết khô khan - giúp chúng tôi hiểu bài một cách dễ dàng. Cô vẽ minh họa cũng đẹp nữa. Tới nỗi mà trực nhật không nỡ xóa đi.
Có dịp, các giáo viên thi đấu bóng chuyền ở một trường cấp 2 gần nhà cô. Lũ học trò kéo nhau đi xem rầm rộ lắm, nhưng làm sao chịu ngồi yên một chỗ. Vài bộ phận “đánh lẻ” gồm 4, 5 đứa tụi tôi rủ nhau vào nhà cô chơi. Đó là lần đầu tiên tôi được đến nhà cô.
Mảnh vườn nhỏ xinh nối liền hồ nước rộng lớn, phảng phất hương vị cỏ non ngòn ngọt. Cho dù ký ức mờ theo thời gian thì những bông cẩm tú cầu đỏ thanh tao năm ấy vẫn đọng lại trong tâm trí tôi. Vườn có nhiều loài hoa đẹp nhưng chúng tôi không biết tên, chỉ thấy màu rực rỡ và hương thơm ngào ngạt.
Cô cũng lấy vài khúc mía róc cho chúng tôi ăn. Cô bổ nhỏ từng miếng như cho bọn con nít, tôi nhanh nhảu: “Cô để cả miếng thế bọn cháu ăn được rồi cô ơi...”. Cô cười, “Thế mấy đứa hóc thì ai chịu trách nhiệm đây?”. Tiếng cười ngập tràn góc sân, làm mặt hồ lăn tăn gợn sóng.
Vào trong nhà, cô lôi ra biết bao kẹo, bánh sô cô la, bắt chúng tôi ăn rồi cầm mấy thanh , bảo: “Cái này để cô bỏ trong tủ lạnh rồi tí cầm về, để bên ngoài là nó chảy nước hết.”. Chúng tôi ăn ít cái cho có lệ rồi tót lên tầng. Phía ngoài ban công, dưới gốc cây ngải tướng quân còn vương vài chiếc lá chanh leo vàng vàng...
Dịp nghỉ Tết, tôi cũng có rủ mấy đứa lên lại nhà cô nhưng đứa nào cũng bận đi với gia đình. Cho tới khi tôi gặp cô ở trường, thật sự không vui nổi khi nghe cô nói: “Đây là năm cuối cùng cô làm chủ nhiệm, dù chưa nghỉ hưu nhưng cô sẽ thôi chủ nhiệm. Vậy nên, lớp ta là lớp cuối cùng cô được dẫn dắt, chạy đua từng bậc trên bảng xếp hạng của trường. Cô rất lấy làm vui. Bây giờ, mỗi đứa nhận ít tiền mừng tuổi của cô, dù giá trị không lớn nhưng đây là tấm lòng của cô...”. Nói rồi cô đi từng bàn, bắt tay, mỉm cười rồi dúi vào tay từng đứa tờ mười nghìn mới cứng. Qua dịp đó, tôi có viết cho cô một lá thư - chứa đựng tâm tư bé nhỏ của tôi. Và rất mong bây giờ cô vẫn còn giữ nó.
Lên lớp 7, cô không chủ nhiệm nữa nhưng vẫn dạy Sinh học cho chúng tôi nên tình cảm vẫn bảo nguyên vẹn toàn. Lớp 8, cô chuyển sang dạy Hóa học. Phải nói thực là môn Hóa rất khó “xơi”. Buổi đầu, cô mang vài lọ nhỏ lên lớp làm thí nghiệm, chúng tôi cứ phải gọi là “mắt chữ O, mồm chữ A” khi hai giọt trăng trắng trộn vào nhau lại biến thành màu hồng. Cô còn lạ gì trước vẻ “sửng sốt” của lũ tiểu quỷ chúng tôi.
Những giây phút vui vẻ ấy có lẽ sẽ được tiếp diễn trọn vẹn nếu như khoong có một ngày, tôi nhận được tin là năm sau cô sẽ về hưu.
Cũng đến lúc rồi. Hơn 23 năm gắn bó với trường trong 55 mùa xuân, đã đến lúc cô nói lời tạm biệt. Nhưng chúng tôi vẫn còn ở đây, lứa học sinh non dại ngày nào đã nhận được sự dìu dắt của cô. Chúng tôi không muốn điều đó biến mất, ít nhất cũng đến lúc chúng tôi ra trường. Nhưng rồi tôi chợt nhận ra mình thật ích kỷ. Cứ giữ mãi những kỷ niệm êm đềm, nhưng giây phút hạnh phúc bên cô để làm gì. Cô cũng cần phải nghỉ ngơi chứ. Tôi đã quên mất mái tóc lấm tấm bạc của cô, quên mất vết chân chim phía sau cặp kính trắng,... Và quên mất điều quan trọng nhất.
Có phải chúng tôi sẽ không bao giờ gặp lại cô đâu.
Chúng tôi sẽ tới nhà cô “ăn vạ” sô cô la tiếp, sẽ đùa nghịch với cô theo một cách tự nhiên hơn, không bị gò ép như khi cô còn là giáo viên trên lớp, sẽ vô tình bắt gặp cô trong dãy hàng hoa quả. Và trên hết, nụ cười của cô, ánh mắt cô sẽ theo chúng tôi trên con đường tương lai và mai sau.