Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Quân đội Nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, quân đội của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện.

Xem tiếp...

Lớp chúng mình…

Thứ tư - 31/07/2019 11:42
Hướng tới kỉ niệm ngày 20/11,trường tổ chức “Câu lạc bộ văn học” cho khối 8, “bọ Truyền” đã đăng kí cho chúng nó một vé văn nghệ để chúng và mấy đứa bạn mới chuyển đến gắn kết với nhau hơn.
Thôi nào! Cả lớp trật tự đi! –lớp trưởng Ly quát.
      - CẢ LỚP TRẬT TỰ!! – Quốc đại ca hét.
       0,5 giây sau tiếng hét ấy là cái bóng tròn tròn của thầy chủ nhiệm xuất hiện ở trước cửa lớp với nụ cười mỉm cùng chiếc cặp to đùng đựng toàn sách là sách, cất giọng chào như mọi ngày:
     - Chào đồng bào! Mời đồng bào ngồi xuống!
Kịch bản và phân vai sao rồi hả 2 nhà biên kịch kiêm đạo diễn?
      Ly bước lên bục đưa cho thầy một xấp giấy A4 nhàu nhĩ với cái nhìn kiểu “bọn em giỏi thầy nhỉ”.  Và nhìn cách thầy vừa đọc vừa tủm tỉm, nó phóc xuống đập tay vào con Hà và “Yeah!” một tiếng rõ to.

      Chuyện là thế này….
      Hướng tới kỉ niệm ngày 20/11,trường tổ chức “Câu lạc bộ văn học” cho khối 8, “bọ Truyền” đã đăng kí cho chúng nó một vé văn nghệ để chúng và mấy đứa bạn mới chuyển đến gắn kết với nhau hơn. Thế nhưng, nhìn vào tiềm lực văn nghệ chưa được khai quật của lớp, chúng nó lo lắng , thấp thỏm ra mặt vì không làm được ra trò thì thật xấu hổ. Không có mầm non nào nổi bật, chúng đành huy động sức mạnh tập thể, vắt hết cả tiềm lực rồi quyết định chọn diễn kịch.Và trách nhiệm viết kịch bản lớn lao đã được thầy phân cho Ly còi cùng Hà tồ vì xét thấy chúng có “tố chất tiềm ẩn”. Tác phẩm được chọn là truyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi”. Vấn đề của chúng nó là truyện thì rất thú vị, ý nghĩa nhưng quá ngắn. Sau hai ngày vò đầu và bứt hết cả chục sợi tóc đen, sáng nay thành quả đã được trình lên.
      -Ừ! Được…..- Chỉ mới nghe đến đó cả lớp đã hô ầm ĩ.
      -…nhưng…vẫn cần phải sửa một số cảnh.
      -Trời!!!!!- mặt Ly và Hà nhanh chóng méo xẹo, và cả lớp nhìn hai đứa đầy vẻ “thông cảm” .
        Lại một phen sửa chữa, tẩy xóa, rồi kịch bản cũng được thông qua. Đến tiết mục phân vai, lớp như họp chợ vì tranh nhau đề cử diễn viên. Thường ngày, mấy tên đầu trò tinh nghịch phát huy tối đa vai trò hoạt náo viên nhưng bây giờ chúng ngồi im thít vì sợ bị trúng tuyển. Nhưng chạy trời không khỏi nắng, số phận của chúng đã được định sẵn bởi hơn ba mươi cái miệng còn lại trong lớp. Đóng vai thầy Dần là Dương cute, thầy Thìn là Vũ nhể, thầy Sửu là Hiếu hotboy, thầy Mùi là Chiến Công, thầy Tý là Hoàng Tiến, chú voi to khỏe được phân phó cho Hào su và Quang béo. Và vai người quản voi đã thuộc về Quốc đại ca. Nhân vật cuối cùng được 2 nhà biên kịch suy nghĩ kĩ và quyết định thêm vào đó là Nhung đém , trong vai Thị Đỏng – một khách qua đường hết sức chảnh chọe và đỏng đảnh. Khi nhận được lời mời đóng vai diễn chả khác ngoài đời là bao đó, Nhung đém “cay đắng” chấp nhận để không phụ sự tin tưởng của các bạn.
      Một tuần sau đó, tranh thủ những tiết trống, sau mỗi buổi học, đội kịch tập hăng hái dưới sự chỉ đạo của hai đạo diễn nửa mùa và sự cỗ vũ thì ít, trêu chọc thì nhiều của dàn diễn viên quần chúng. Cái khó của chúng là điệu bộ động tác của các thầy. Đứa thì nghoẹo bên này, đứa thì ngả bên kia cứ như xéo khoai; đã thế chúng vừa diễn vừa cười ngặt nghẽo trong sự hô ứng của mấy tiểu quỷ. Rồi thì diễn viên quên kịch bản, rồi thì trăm sự cố dở khóc dở cười như kiểu các thầy khua gậy vào nhau quá đà, rồi thì Thị Đỏng diễn sâu lia hẳn cả một chiếc dép vào mặt thầy Sửu khiến thầy ta ngã chỏng vó….Tất nhiên, thỉnh thoảng giữa những buổi tập, bọ Truyền sẽ ghé vào để chỉnh đốn và động viên tinh thần bằng những ổ bánh mì, gói bim bim, kịp thời và quý giá. Tranh thủ những lúc ấy chúng lại mè nheo than mệt than khó, và thường thì thầy sẽ trả lời bằng vài cú cốc đầu theo kiểu “giao lưu tình cảm”.
       Trước hôm diễn ba ngày, phần diễn xuất tạm xong, cả lớp tập trung làm đạo cụ, địa điểm là dưới gốc xoài trong góc sân. Được mỗi cái xe đạp điện của Hiếu hotboy mà nào là đi mua sơn, mua bì, mua keo, rồi thì mua băng dính, đi mượn kính, lại còn phải kiếm gậy cho các thầy nữa! Khó nhất khi làm đạo cụ là trang phục. Theo ý thầy, tụi nó tự biên tự diễn bằng việc mua bì tải về rồi phun sơn tạo hình tròn âm dương. Tụi con gái thì ngồi cắt bì để tạo thành áo cho các thầy, còn tụi con trai có nhiệm vụ phun sơn đen lên để chiếc áo hoàn thiện hơn. Qúa trình phun sơn lên bì, chỗ thì nhạt, chỗ thì đậm, cứ sửa đi sửa lại. Đến công đoạn làm con voi, phần này là phần khó nhất, đòi hỏi tính khéo léo. Tụi nó cắt từng mảnh bìa, dán lại với nhau để tạo thành đầu voi. Làm xong đứa nào cũng gật gù:
      -Chà! Trông giống voi rồi đấy! (Tuy rằng dưới mắt một số đứa, có cả nó, sao mà cái đầu voi trông cứ hao hao giống đầu chó. Tất nhiên là tụi nó chỉ dám nghĩ thầm, nói ra thì sẽ bị xử ngay.)                         
Còn về phần thân voi, chúng lấy bìa, phun sơn xám lên, thế là xong!
Hào su với Quang béo lồng thử vào mặc, đứa nào cũng tấm tắc khen ngợi kiệt tác do chúng tạo ra, phổng mũi lên mà tự hào rằng:
     - Đẹp! Qúa đẹp! Đây là con voi đẹp nhất Việt Nam đấy chúng mày ạ!
      -Ha..ha..ha… chuẩn rồi!
       Tiếng cười đùa giòn tan dưới gốc xoài như phép màu làm chúng nó quên đi mệt nhọc, làm khô đi những giọt mồ hôi lăn trên trán mấy tên tiểu quỷ. Đạo cụ đã sẵn sàng, chỉ cần diễn nữa là OK!
 
      Rồi ngày diễn cũng đến…
      Bộ phận trang điểm, đạo cụ đến từ rất sớm. Tụi nó lôi mấy đứa diễn viên ra bôi bôi, trét trét. Nào thì vẽ râu, tô lông mày, rồi thì mặc trang phục, đeo kính đen…Còn Thị Đỏng thì được ưu tiên đặc biệt khi chúng tạo điểm nhấn cho thị bằng một cái nốt ruồi to tướng ở bên má, ý rằng trên ti vi thường thế. Ôi trời! Lúc đó nó cảm thấy như trời đất chẳng còn ai xấu và ghê gớm hơn mình nữa! Đành hi sinh vì vai diễn đầu đời thôi! Đang trong quá trình chuẩn bị thì Hà tồ hốt hoảng:
      -Thôi chết rồi bà con ơi…! Tao …tao..tao….
      -Có chuyện gì??? – Quốc đại ca hỏi
      -Tao… tao quên đem váy cho con Nhung rồi!
      -Không sao! Tao có cách làm váy theo phong cách “Thị Đỏng thời hiện đại” rồi!
        Nói xong, nó lấy ngay cái áo phao, cột hai ống tay áo trước bụng.Xong. Nhìn dàn diễn viên đã hóa trang hoàn chỉnh, chưa cần lên sân khấu, gần ba mươi kẻ trong lớp đã ôm bụng cười ngặt nghẽo vì cái sự dị hợm và chẳng giống ai của chúng. Tất nhiên, hiệu quả hỗ trợ diễn xuất thì khỏi phải nói, chuẩn không cần chỉnh.
        Thế nhưng, chưa phải chúng đã được lên sân khấu ngay mà chờ đợi qua một nửa chương trình Câu lạc bộ. Thời gian trôi qua chậm chạp trong sự hồi hộp và ngóng dài cổ của cả lớp. Chỉ tội mấy đứa đóng thầy bói. Mặc trang phục bì tải, chúng ngứa ngáy, bứt rứt trong cái sự nóng đến nghẹt thở của nhà đa năng. Mấy đứa con gái vừa động viên vừa quạt lia lịa:
        -Cố lên, vì sự tỏa sáng rực rỡ của 7a, các đồng chí cần dũng cảm và kiên nhẫn.
        -Lỡ đứa nào có vì thế mà nổi ghẻ, tao sẽ tặng ngay cho một lọ DEP đặc trị!!
Tiếng cười của chúng như xua tan cái nóng và sự sốt ruột vì chờ đợi.
 
        Và cuối cùng cũng đến tiết mục của chúng nó…
        Đứng cạnh sân khấu,chuẩn bị bước diễn mấy tên tiểu quỷ vừa nãy còn hăng hái lại trở nên lúng túng,  ngượng ngùng khi nhìn xuống dưới và thấy hàng trăm ánh mắt đang nhìn chúng chăm chú. Chúng thấy mất hết cả can đảm. Thế nhưng đúng lúc ấy, chúng nhìn thấy “bọ Truyền”. Thầy nhìn chúng với ánh mắt động viên rồi gật đầu mỉm cười. Phải rồi! Thầy tin tưởng ở tụi nó! Thầy biết tụi nó sẽ làm tốt! Mà chúng thì muốn thầy tự hào! Muốn 7A thân yêu được cả trường công nhận!
       Tút lại vẻ tự tin, chúng nhìn nhau rồi bước lên sân khấu trong tràng vỗ tay vang trời của khán giả. Với dàn diễn viên nghiệp dư , đạo cụ độc và lạ, cách diễn xuất tự nhiên, lời thoại hài hước, vở kịch đã khiến cả hội trường chìm trong tiếng vỗ tay và cười nghiêng ngả. Lũ bạn trong lớp phía dưới vỗ đến rát cả tay. Cái băng-rôn cổ vũ “7A thật tuyệt!” trở nên đẹp hơn bao giờ hết trong độ nóng và mức HOT mà tiết mục mang lại. Và chúng thấy rất rõ, đứng phía dưới, ánh mắt thầy lấp lánh niềm vui. Chúng đã thành công rồi, thành công chứng tỏ mình như thầy mong ước!
 
        Từ vở kịch ngày đó, lớp chúng nó trở nên gắn kết, và cố gắng hơn hẳn trong mọi hoạt động để không phụ sự kì vọng và yêu thương của thầy. Hai năm đã trôi qua, lớp 7A ngày nào giờ đã trở thành anh chị trong trường, và thầy cũng đã rời xa chúng đi nhận công tác khác.. Dù bây giờ thầy không còn làm chủ nhiệm nữa, không còn đứng trên bục cầm thước mà dạy dỗ chúng nữa, nhưng nó và cả lớp luôn  biết rằng thầy sẽ mãi dõi theo lớp, cùng lớp bước tiếp chặng đường cuối đầy chông gai, thách thức. “Thầy ơi! Chúng em yêu thầy nhiều lắm! Thầy vẫn mãi là “bọ Truyền” thân yêu của chúng em!!!!”

Tác giả bài viết: Nguyễn Cẩm Nhung- Lớp 9A

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập301
  • Hôm nay88,979
  • Tháng hiện tại1,592,403
  • Tổng lượt truy cập42,164,476
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây