Ăn trái đào hái hoa hồng đào

Thứ bảy - 20/07/2019 06:05
"Bạn đọc hãy đọc chậm thôi, xin hãy nhìn lên bầu trời, nhìn thật lâu, thật xa, sau đó hãy cúi xuống đọc những dòng chữ được viết bằng những chiếc bút bi rẻ tiền.

Nếu phía chân trời tận nơi ta nhìn thấy có một đàn chim sải cánh bay mải miết, nếu trên cao tận nơi ánh mắt ta có thể dõi theo một đám mây bay như một dải thiên hà, nếu nhìn thấy một con chim lẻ đàn hay một áng mây mịt mờ xa thẳm, trong lòng ta sẽ dường như chỉ run rẩy một mối thương cảm. Khi cánh chim đã mất hút trên nền trời, mắt ta không còn nhìn thấy được nữa, linh hồn ta dường như bị sưng phồng, và rồi biến dạng ở nơi xa thẳm ấy…"

Khi đọc những câu văn giản dị này, người đọc dễ liên tưởng đến những câu chuyện bình thường tưởng như nhỏ nhặt trong cuộc sống, dường như ta đã nghe, đã thấy ở đâu đó. Nhưng ngòi bút tinh tế của nhà văn Võ Thị Xuân Hà đã không dừng lại ở đó, mà đi sâu hơn vào cuộc sống, để những câu chuyện in sâu trong lòng người đọc những cảm giác nhói đau, những suy nghĩ sâu sắc về số phận của những cuộc đời, những con người, và đau đớn với sự tha hoá đạo đức của xã hội. Nhà văn đặc biệt quan tâm đến những người trẻ tuổi. Nhà văn thương cảm khi họ bế tắc trước cuộc đời, khi họ cô đơn, lạc lõng giữa xã hội. Họ là "Một, Nhị, Tam" trong Băng Hắc Long Điểu. Xã hội trong con mắt họ là sự bát nháo lố lăng, trật tự đã biến mất, ý nghĩa cuộc sống cũng biến mất. Một Hắc, thủ lĩnh của nhóm, 17 tuổi, một người con gái - mang tâm hồn của những người đàn bà bình thường, cũng duy tâm. Nó nghĩ có thể mình rồi phải xuống địa ngục, phải chịu những hình phạt, đời đời kiếp kiếp bị xích trong ngục tối của Diêm Vương. Nhưng nó vẫn lập băng nhóm và đi ăn cướp. Nó ghê tởm những bọn đạo đức giả. Cái bọn tởm lợm ấy suốt ngày chỉ biết vênh mặt lên với đời. Còn nó?! Nó cần có tiền cho em nó đi học, thậm chí đi du học để đổi đời. Nhị Long, đã đi du học nhưng lại trở về và gia nhập băng nhóm. Hắn ghét học và coi cái sự học sao mà sợ nó thế, những bài giảng cứ từ tai nọ chạy sang tai kia chẳng còn tí gì cả. Hắn chán nản và thấy thật vô nghĩa trước những trò đua đòi bắt chước của giới trẻ. "Dự báo trào lưu sắp tới của teen ta sau khi hết trò sẽ chuyển sang trò cạo tóc như Britney Spears hay kiểu "khoe hàng" của Lindsay Lohan"… Hiện thực chướng tai gai mắt trong cuộc sống, những giá trị đạo đức đảo lộn, làm những người trẻ mất đi niềm tin. Họ bất mãn nhưng không có cách giải quyết và cuối cùng sự bất mãn đáng thương dẫn họ vào những ngõ cụt của cuộc đời. Họ phạm tội và chỉ để lại mấy dòng chữ lạnh lẽo trên báo chí: “Ngày 23.x.200x, nguồn tin CA thành phố BS cho biết đã triệt phá băng cướp khét tiếng có tên Hắc Long Điểu, bắt 3 tên: Một Hắc, Nhị Long và Tam Điểu.

Đây là nhóm đối tượng chuyên quậy phá, gây mất trật tự an ninh, cướp tiền vàng trên địa bàn thành phố trong suốt thời gian gần đây. “Thủ lĩnh” của băng nhóm là LBH, 17 tuổi, biệt danh Một Hắc, vốn là nữ sinh trường trung học PT.

Cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam thêm 6 đối tượng có liên quan (từ 16 - 18 tuổi) trong băng nhóm”.

            Nhà văn dùng ngòi bút dưới dạng những trang nhật kí khiến nhân vật hiện lên chân thực hơn, hiển hiện trong cuộc đời, chứ không cố đi tìm câu trả lời tại sao một phần lớp trẻ lại trở nên như vậy. Những suy nghĩ, những hành động của nhân vật cứ như đang tự kể câu chuyện của mình.

            Mỗi câu chuyện là một bức tranh thu nhỏ một phần cuộc sống. Những điều tốt đẹp, những điều xấu xa cứ đan xen nhau, đôi lúc nhập nhoà không thể phân định rõ được. Một cô gái trẻ thốt ra nỗi khốn khó của thế hệ họ. Không phải là khốn khó về mặt vật chất như lớp người đi trước, mà là nỗi khốn khó về mặt tinh thần. Họ không biết bám víu vào đâu để tìm thấy niềm tin. Họ phải tự mình vật lộn với cuộc đời mỗi ngày một xáo trộn này, phải tự khẳng định bản thân, phải tự kiếm tìm một ý nghĩa sống. "Thời nay, chúng tôi không được học thật, vì nếu thầy cô của chúng tôi dạy thật, lấy đâu ra việc cần phải học thêm dạy thêm?", "vẻ đẹp của thế hệ chúng tôi là vẻ đẹp phải tự mình giành giật lấy" và chung quy lại cô gái ấy đã nói như thế này về thời đại của mình: "Một pháp sư nói với tôi rằng, chúng ta đang tồn tại trong thế giới kim tiền. Không có tiền đừng nói chuyện “đưa tay cứu độ bao nhiêu em bé lang thang không cha mẹ, bao nhiêu em bé sinh ra không được làm người, sống dật dờ trong nỗi đau chất độc da cam”. Nói gì đến chuyện “mang những bông hoa tặng những người mẹ và những người cha không được phong anh hùng…”. Rồi “bón từng thìa cháo, muỗng canh cho những cô bác thương binh đang sống nốt những tháng ngày dài…”. Đó là sự thật, là nỗi đau mà ai cũng biết. Thế rồi ai cũng thờ ơ bởi đấy không phải là việc của mình. Những người trẻ đang bị bỏ rơi tinh thần ốm ngoặt ngoẹo, và phải tự tìm lối đi cho mình, bằng những cách riêng (dù đúng hay sai lạc). Tác giả đã viết truyện này theo hình thức hai bức thư, bức thư đầu là của một nhà văn thuộc thế hệ trước nhìn nhận về cách sống của cô gái trẻ đang tự quảng bá cho hình ảnh của mình. Có thể nói nhân vật nhà văn này không có thiện cảm với cách làm của cô gái đó. Bức thư thứ hai là của cô gái đáp lại nhà văn ấy bằng những lập luận của thế hệ mình. Người đọc sẽ có một cái nhìn khách quan, có thể thấy được sự khác biệt giữa hai thế hệ. Đó là truyện Hai bức thư đã được gửi trong tháng mở cửa ngục, hay như trong truyện Cô gái mặc váy ngắn bước lên tàu điện cũng là một góc nhìn về cách sống của những người trẻ tuổi, họ không ngần ngại làm mọi việc để đạt được mục đích của mình.

            Hiện thực xã hội trong những câu chuyện ấy chạm vào nỗi lòng bạn đọc, khiến bạn đọc day dứt trong lòng. Có một sự bất ổn ẩn giấu ở phía sau những câu chuyện ấy, đó là sự tha hoá của con người, của xã hội về đạo đức, cách sống, biểu hiện rõ nét qua cách sống của một bộ phận giới trẻ. Khi những câu chuyện ấy đã là bình thường, thì đó chính là sự báo động cho mọi người, cho xã hội về sự đảo lộn các giá trị sống, khi mà cái xấu, cái ác với cái đẹp, cái thiện đôi khi không còn phân định rõ ràng ranh giới nữa. Nhà văn với những câu chuyện tưởng như bình thường ấy khuấy đảo những điều dường như đã bị lãng quên về con người, về cuộc sống và về thế hệ trẻ hôm nay.

            Tuy nhiên bên cạnh cái ranh giới đôi khi không phân định rõ ràng giữa tốt xấu, thiện ác ấy vẫn có những con người khơi dậy niềm tin cho chúng ta. Họ sống, họ hi sinh để bảo vệ cuộc sống cho những người khác. Chúng ta sẽ càng phải cảm phục họ khi mà trong xã hội ai ai cũng chỉ lo vun vén cho bản thân mình. Họ là những Mặt trời ở lại, họ neo giữ những giá trị tốt đẹp trong lòng mình và neo giữ lại niềm tin vào cuộc sống cho những người khác. Đó là những người như Trung uý NNA đã dũng cảm leo lên toà nhà đang bốc cháy rừng rực để cứu người, anh cứu hết người này đến người khác, anh cứ leo lên cao, lên cao tận cùng và đã hi sinh anh dũng.

            13 truyện ngắn trong tập sách này là 13 góc nhìn khác nhau về cuộc sống, về số phận con người. Đôi khi là sự day dứt với sự đảo lộn những giá trị đạo đức, đôi khi là sự hài hước trong giọng văn ở cuộc đối thoại với Cụ Rùa về cuộc đời, có lúc lạnh lùng, có lúc xa xót với số phận những con người trong Xem mi-mô-za nở, Cát vùi trên tầng đất cổ, Ăn trái đào hái hoa hồng đào, Chiều tà. Những câu chuyện này có sức ám ảnh đối với người đọc. Nhà văn bằng giọng kể vừa man mác lại vừa xa xót để miêu tả cái không gian sống và nỗi lòng của những con người cứ chầm chậm chìm vào trong bóng tối của sự lãng quên, của những day dứt giằng xé tận tâm can. Đó là dì Tôn Nữ và con gái Lục Bảo, những người đàn bà đẹp nhưng có một số phận buồn lê thê trong Xem mi-mô-za nở. Dì Tôn Nữ là người đàn bà có đầy đủ những đức tính Công, Dung, Ngôn, Hạnh, dì lấy cha gã - nhân vật nam chính trong truyện - là một người thợ xây quanh năm suốt tháng vắng nhà. Dì chăm lo cho gã hơn cả Lục Bảo con gái dì. Gã luôn ăn cơm trước, sau đó dì Tôn Nữ với Lục Bảo mới ăn. Gã không bao giờ biết trên mâm còn lại những thức ăn gì. Lục Bảo từ khi về nhà này cũng câm lặng không nói gì cả, cuộc sống buồn lặng lẽ trôi qua cho đến khi cha của gã bị ngã và trở thành người tàn phế. Tất cả dồn lên đôi vai thon của dì Tôn Nữ. Và cái đêm ấy ám ảnh theo gã cả cuộc đời, Lục Bảo viết giấy hẹn hắn xem hoa mi-mô-za nở, gã đã thấy dì Tôn Nữ “đang vặn vẹo bên một người đàn ông”. Không ai bắt dì phải làm điều đó, dì làm vì cha của gã, làm vì gã, vì Lục Bảo. Và “sau này, cả cuộc đời lang bạt, gã không bao giờ muốn xem mi-mô-za nở nữa, nhưng cứ hễ đến mùa hoa nở là gã không quên, cả đêm gã cứ thức chong chong và nghĩ vào lúc đó, vào thời khắc đó, hoa mi-mô-za đang xoè ra những cái cánh nhỏ xíu chờ vẫy mặt trời buổi sớm mai”. Số phận bi thương của dì Tôn Nữ đã ám ảnh vào cuộc đời Lục Bảo, mấy năm sau Lục Bảo tìm gã, nàng muốn cho gã tất cả trước khi lấy một lão già nước ngoài chỉ vì hắn giàu có, hắn hứa để lại cho cha mẹ một khoản tiền. Lục Bảo muốn gã trở về chăm sóc dì, chăm sóc cha của gã. Số phận của hai người đàn bà đã ám ảnh sâu trong tâm trí gã, hai người đàn bà và hai mùa hoa mi-mô-za nở.

            Những nỗi đau, những day dứt và mất mát được nhà văn Võ Thị Xuân Hà thể hiện một cách khéo léo, tinh tế. Tự những câu văn cũng đã có sức lay động rung cảm lòng người đọc. Mỗi câu chuyện một cuộc đời, mỗi nỗi đau một nỗi buồn, cảm giác này lan tỏa từ truyện này sang truyện khác, muôn màu muôn vẻ không hề giống nhau. Đó là những nỗi đau trong Chiều tà, Ăn trái đào hái hoa hồng đào… Tất cả đều gợi lên một sự mất mát, nhẹ nhàng nhưng nó cứ ngấm dần sâu vào trong mạch máu để rồi trở thành một nỗi ám ảnh về con người, về số phận buồn thương, đặc biệt là của những người phụ nữ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập120
  • Hôm nay33,289
  • Tháng hiện tại1,132,508
  • Tổng lượt truy cập28,432,982
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây