Tiết chào cờ đầu tuần thứ 31 năm học 2018-2019
Thứ năm - 01/08/2019 22:14
Hưởng ứng ngày sách Việt nam 21/4/2019 và kỉ niệm 44 năm Ngày Giải phóng Miền nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2019). Sáng thứ hai, ngày 08/4/2019 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức nghi lễ chào cờ đầu tuần thứ 31 trong năm học
Sau các nghi lễ chào cờ, thầy giáo Nguyễn Thanh Truyền – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, giới thiệu về sự ra đời và ý nghĩa “Ngày sách Việt Nam 21/4”.
Sự ra đời của Ngày sách Việt Nam 21/4 từ năm 2014 như đòi hỏi tất yếu trong xu thế hội nhập của một “thế giới phẳng”. Những quốc gia phát triển trên thế giới cho toàn nhân loại thấy nền kinh tế tri thức là nhân tố tạo nên sự phát triển bền vững, tạo nên xã hội văn minh. Tri thức nhân loại tích lũy vào sách, ở sách. Người dân ở các nước phát triển, từ thế hệ này sang thế hệ khác, đều ham đọc sách. Họ coi trọng sách giữa một thế giới công nghệ đầy tiện nghi, tiện ích. Đọc sách, hình thành nên phông tri thức phổ thông chất lượng là một trong những nền tảng quan trọng để phát triển.
Chọn ngày 21/4 làm Ngày sách Việt Nam bởi ngày 21/4/1927 là ngày ra mắt cuốn sách “Đường Kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Gần với Ngày sách Việt Nam, tháng 4 còn là dịp diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích niềm yêu thích đọc sách, đồng thời tôn trọng bản quyền tác giả của mọi người dân trên thế giới.
Về vai trò của sách, thầy Nguyễn Thanh Truyền nhắc lại nhiều câu nói nổi tiếng, với nhiều hình ảnh so sánh ấn tượng: Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người; Sách báo là sánh sáng, ánh sáng sẽ đẩy lùi bóng tối; Mỗi cuốn sách là những bậc thang nhỏ mà khi bước lên tôi tách khỏi con thú để lên tới gần con người, tới gần quan niệm về cuộc sống tốt nhất về sự thèm khát cuộc sống ấy; Mỗi cuốn sách tốt như một người bạn; Sách là người bạn trung thành và tận tụy nhất;… Những hình ảnh so sánh ấy nói lên một cách sinh động về ảnh hưởng của sách đối với sự thay đổi nhận thức, nhân cách của mỗi con người từ cổ chí kim.
Hiểu vai trò của sách, mọi người cần biết coi trọng sách, coi trọng việc đọc, rèn sự say mê đọc sách. Thực tế cho thấy, những giáo viên ham đọc là những giáo viên có nhiều bài giảng sinh động, sâu sắc, sáng tạo, không nhàm chán, thoát được lối mòn của những kiến thức giảng đi giảng lại, thoát được sách giáo khoa. Thực tế cũng cho thấy, những học sinh có thói quen đọc và ham đọc sách, sẽ có vốn hiểu biết rộng, sâu sắc hơn bạn cùng trang lứa và có phản ứng nhanh hơn và đúng đắn hơn trước cái mới, trước những bài học, những tình huống trong cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy rằng, hiện nay còn nhiều người lười đọc sách, chưa coi trọng việc đọc để nâng cấp hiểu biết, nâng cấp nhận thức, nâng cấp phương pháp, nâng cấp sự tương tác lẫn nhau để phát triển bản thân và góp phần phát triển xã hội. Nhiều giáo viên vẫn say sưa bám sách giáo khoa, xem sách giáo khoa là vật bất ly thân trong giờ học để tổ chức dạy học, nhiều giáo viên cầm sách tham khảo để say sưa đọc những thông tin tràng giang đại hải cho học trò nghe,… khiến những giờ học trôi qua rất nhàm chán, mệt mỏi. Nhiều học sinh thậm chí không đọc cả …sách giáo khoa. Các em chuẩn bị bài cho hôm sau theo cách …bê nguyên từ sách tham khảo, sách hướng dẫn giải vào; làm đúng mà không biết vì sao đúng; học tập trái với quy luật tư duy. Lười đọc, lười học, không thấy lợi ích của việc đọc, dẫn đến lối học đối phó.
Đọc sách là rất quý, như đã nói. Nhưng đọc sách cần biết vận dụng. Nguyễn Bảo Sinh có hai câu thơ rất sâu sắc: “Không sách ta chẳng là ta/ Không xé sách cũng không ra con người”. Đọc sách mà lệ thuộc vào sách, áp đặt vào thực tế thì còn nguy hiểm hơ cả không đọc. Đọc sách phải thẩm thấu, nghiền ngẫm, phải biết vận dụng linh hoạt vào tực tiễn; đọc sách để nâng cao hiểu biết, nâng cao nhận thức chư skhông pahỉ để tích trữ cho đầy ứ mà chẳng biết để làm gì, chảng có ích gì. Loại ấy gọi là mọt sách, sách ấy chỉ là thắc ăn cho hệ tiêu hóa, không phải thức ăn cho trí tuệ, tâm hồn.
Nói về sách, báo, thầy Nguyễn Thanh Truyền nhắc các em: Cùng với sự nghiêm túc trong học tập, đọc nghiêm túc sách giáo khoa, học đúng phương pháp để có nền tảng tri thức phổ thông, cần đọc thêm các báo và tạp chí, đọc/xem các trang mạng bổ ích. Việc phát huy phong trào đọc, giải bài, viết bài, vẽ tranh cho các báo, tạo chí là việc làm bổ ích, giúp ta phát huy và phát triển năng lực bản thân, các em cần tích cực tham gia và thể hiện. Ngày sách Việt Nam 21/4 chỉ tổ chức trong một ngày, một dịp, nhưng đọc sách và học tập là việc suốt đời, thầy Nguyễn Thanh Truyền mong quý thầy cô – những chiến sĩ trên mặt trận giáo dục – và các em – những chủ nhân tương lai của Tổ quốc – nhớ giúp điều ấy!
Tiếp theo chương trình em Nguyễn Thị Quỳnh Trang – 8A giới thiệu cuốn sách “Cha và con” của Nhà văn Tony Parsons: Vì một phút yếu lòng với đồng nghiệp, Harry Silver đã tự đẩy mình vào thế khó khi chịu cảnh thất nghiệp, vợ bỏ đi và một mình nuôi con. Hoàn cảnh đã buộc Harry trưởng thành trong vai trò của một người phụ nữ và rồi nhận ra rằng đáp án đó là chưa đủ với một người đàn ông.
Bằng ngòi bút sắc sảo, hóm hỉnh và những kinh nghiệm từ chính những cuộc đời mình, Tony Parsons đã vẽ nên một bức tranh cười ra nước mắt nhưng thấm thía về cuộc đời một người cha trưởng thành đơn thân. Cuộc sống chẳng bao giờ đơn giản - ông còn dành cho độc giả những khoảng lặng để suy ngẫm, đồng cảm và thấu hiểu với một câu trả lời cuối cùng không đẹp lung linh cũng chẳng trọn vẹn. Tờ Irish Times đánh giá về Cha và con: "Cốt truyện căng thẳng ly kỳ và một hệ thống nhân vật phong phú được đóng khung một cách không khoan nhượng... Tác giả đã chạm đến cảm xúc của số đông thông qua những số ít điển hình và làm chúng ta rơi nước mắt".
Em Nguyễn Thị Thái Thảo – 8C giới thiệu cuốn sách “ Ô Hen-ri và chiếc lá cuối cùng”. Câu chuyện kể về cuộc sống chật vật của những người hoạ sĩ nghèo: hai nữ họa sĩ trẻ Xiu và Giôn-xi sống cùng căn hộ với người họa sĩ già Bơ-men. Những khó khăn về vật chất đã vắt kiệt sức sáng tạo, khiến họ lâm vào cảnh bi đát… Chiếc lá cuối cùng là một sự lừa dối, nhưng lại là một sự lừa dối cao cả để đem lại niềm tin vào sự sống cho con người. Kiệt tác cuối cùng của người họa sĩ già đã được ra đời nằm ngoài tất cả mọi dự đoán của công chúng. Nhưng chiếc lá cuối cùng ấy mãi mãi là bằng chứng của tấm lòng yêu thương con người. Bởi thế, Chiếc lá cuối cùng sẽ mãi bất tử với thời gian.
Kết thúc chương trình là các tiết mục văn nghệ của học sinh 6B