Tiết chào cờ đầu tuần thứ 36
Thứ năm - 01/08/2019 18:14
Sáng thứ hai, ngày 7/5/2018 toàn thể CBGV – HS trong toàn trường đã tham dự “Lễ chào cờ” đầu tuần với chủ điểm tháng Năm “Bác Hồ kính yêu”
Trong không khí vui tươi phấn khởi của thanh thiếu nhi trong cả nước đang ra sức thi đua lập nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm 128 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2018) và kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2018). Sáng nay, ngày 7/5/2018 toàn thể CBGV – HS trong toàn trường đã tham dự “Lễ chào cờ” đầu tuần với chủ điểm tháng Năm “Bác Hồ kính yêu”. Sau các nghi lễ chào cờ, thầy giáo Nguyễn Như Sang – Tổng phụ trách Đội đã ôn lại 77 năm truyền thống vẻ vang của Đội TNTP Hồ Chí Minh
Ngày 8/2/1941, Bác Hồ về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5/1941, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII họp và ra những Nghị quyết cực kỳ quan trọng trong đó có chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh để đoàn kết toàn dân đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Đúng lúc ấy, ngày 15/5/1941, Đảng ta đã ra chỉ thị cho Đoàn thành lập Đội TNTP và Hội Nhi đồng cứu vong và tổ chức thí điểm ngay tại Pác Bó (Cao Bằng). Sự kiện này có ý nghĩa lịch sử đối với công tác thiếu niên và nhi đồng ở nước ta, vì thế ngày 15/5/1941 được coi là ngày chính thức thành lập Đội.
Hoạt động của Đội thời kỳ này nhằm vào mục đích "Dự bị vào giúp đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập" (điều lệ Hội Nhi đồng cứu vong). Các em trong đội được tổ chức học quốc ngữ, học hát những bài ca cách mạng. Các em còn tham gia bảo vệ cán bộ cách mạng, làm liên lạc cho các đội Cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Kim Đồng, tấm gương tiêu biểu cho thế hệ thiếu niên thời kỳ đấu tranh cách mạng đã anh dũng hy sinh ngay bên con suối Lênin, gần hang Pác Bó, bảo vệ cán bộ thoát khỏi vòng vây của kẻ thù trong hoàn cảnh hiểm nghèo.
Sau cách mạng tháng Tám, Hội Nhi đồng cứu vong được đổi tên thành Hội Nhi đồng cứu quốc. Tháng 3/1951, Hội đổi tên thành Đội Thiếu nhi Tháng Tám. Trong giai đoạn này các em đã tham gia công tác Trần Quốc Toản, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ neo đơn. Tiêu biểu cho thế hệ chống Pháp là Lê Văn Tám (Sài Gòn) với danh hiệu bất tử “Em bé đuốc sống”, Dương Văn (Hà Nội) tự tay bắn chết 3 tên Pháp và hy sinh anh dũng tại trận phục kích địch ở trận Xấu Giá (Sơn Tây), và Vừ A Dính (Lai Châu)... Các đơn vị nổi tiếng như: Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng, Đội Thiếu niên du kích thành Huế, Đội Thiếu niên du kích Đồng Tháp Mười ....vv
Hòa bình lập lại, tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II (tháng 11/1956), Đội Thiếu nhi tháng Tám được đổi tên thành Đội Thiếu niên Tiền Phong cho cả hai lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng. Ngày 19/3/1961, Ban Bí thư Trung ương Đảng lại giao cho Trung ương Đoàn tổ chức riêng lứa tuổi nhi đồng vào Đội Nhi đồng tháng Tám. Vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Đội, ngày 15/5/1961, Bác Hồ ra lời dặn 5 điều tiếng mở đầu phong trào thi đua học tập, làm kế hoạch nhỏ góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Làm theo 5 điều Bác dạy, đội viên và thiếu niên trường cấp I Hải Nhân (Thanh Hóa), trường cấp 2 Bắc Lý (Hà Nam Ninh), trường cấp 1 - 2 Cẩm Bình (Nghệ Tĩnh) đã ghi vào lịch sử Đội những trang mới. Năm 1962, từ xã Liên Sơn (Tiên Sơn, Hà Bắc) đã khởi phát phong trào thiếu niên làm nghìn việc tốt.
Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, thiếu niên hai miền Nam Bắc đã biểu lộ tinh thần yêu nước nồng nàn cùng cha anh đánh giặc. Truyền thống anh hùng của Kim Đồng, Lê Văn Tám được tiếp tục phát huy với tên tuổi của Đoàn Văn Luyện, Kơ-pa-kơ-lơng... (miền Nam), của Nguyễn Bá Ngọc, Nguyễn Đỗ Hùng (miền Bắc). Các em đã góp phần xứng đáng vào công việc sản xuất, bảo vệ trị an, nêu lên nhiều tấm gương học tốt và tham gia tích cực công tác Trần Quốc Toản. Thiếu niên Việt Nam đã làm tròn trách nhiệm Đảng giao.
"Vâng lời bác dạy
Làm nghìn việc tốt
Chống Mỹ cứu nước
Thiếu niên sẵn sàng"
Sau khi Bác Hồ mất, ngày 30/1/1970 thể theo nguyện vọng của thiếu niên và nhi đồng cả nước, Ban chấp hành trung ương Đảng đã quyết định cho Đoàn và Đội mang tên Bác. Từ đó đến nay Đội có tên “Đội Thiếu niên Tiền Phong Hồ Chí Minh”, “Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh”
Từ tổ chức 8 thiếu niên đầu tiên trong đó có Lý Tự Trọng do Bác Hồ tổ chức khi Người về Quảng Châu (Trung Quốc) nhen nhúm ngọn lửa cách mạng, ngày nay Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh đã có hàng triệu đội viên vai mang khăn quàng đỏ thắm, tiêu biểu cho thế hệ măng non đất nước, niềm tin và hy vọng của Tổ quốc Việt Nam. Ngày truyền thống của Đội 15/5 mãi mãi là ngày hội của thiếu niên nhi đồng Việt Nam lớp này đến lớp khác thể hiện niềm tự hào về Đảng tiên phong, về Dân tộc anh hùng, phấn đấu đạt danh hiệu quen thuộc mà cao quý cháu ngoan Bác Hồ, xứng đáng là người kế tục tương lai sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
Tại lễ chào cờ này cô giáo Đặng Thị Trâm – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường đã trao quà và phần thưởng của Tạp chí Toán tuổi thơ cho em Trần Hà Nhi – 8B. Trao quà và nhuận bút của Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh cho em Phạm Lê Huyền Chân – 8C có truyện ngắn đăng ở Tạp chí Hồng Lĩnh số 140 tháng 4/2018, em Nguyễn Thị Mai Trinh – 9E, em Lê Như Quỳnh – 9C có các bức tranh đăng ở Tạp chí Hồng Lĩnh số 141 tháng 5/2018.
Kết thúc chương trình là các tiết mục văn nghệ chào mừng kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh 15/5/1941 – 15/5/2018), với các ca khúc “Lê Văn Tám”, “Bác sống đời đời” và “Bay cao tiếng hát ước mơ” do đội văn nghệ lớp 7E thể hiện
Đinh Mai Trang - 7E với ca khúc "Bác sống đời đời"
Ca khúc "Lê Văn Tám"
Ca khúc "Bay cao tiếng hát ước mơ"