Tiết chào cờ đầu tuần thứ 34

Thứ năm - 01/08/2019 18:11
Sáng thứ hai, ngày 23/4/2018 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức lễ chào cờ đầu tuần đồng thời tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng Miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2018) và kỷ niệm 132 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 – 1/5/2018)
  Cô giáo Phan Thị Quỳnh Giang đã ôn lại truyền thống hào hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Những mốc lịch sử quan trọng của phong trào công nhân lao động Quốc tế.
      Đã 43 năm trôi qua, gần một nửa thế kỷ là khoảng thời gian cần thiết để chúng ta càng nhận ra ý nghĩa vĩ đại của chiến thắng 30/4/1975. Chiến thắng 30/4 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là biểu tượng sáng ngời của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam. Trong những ngày vui này, chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, Anh hùng Giải phóng Dân tộc, Danh nhân Văn hóa. Tư tưởng của Người mãi mãi tỏa sáng, soi đường cho cách mạng Việt Nam vững bước tiến lên. Chúng ta cũng tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào, những người con đã anh dũng hy sinh trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
      Ngày Quốc tế Lao động 1/5 bắt nguồn từ phong trào đấu tranh của công nhân Mỹ, trở thành ngày lễ kỷ niệm và ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và của người lao động trên toàn thế giới. Ngày 20/6/1889, Đại hội I của Quốc tế Cộng sản II quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản. Vào ngày 1/5/1890, lần đầu tiên Ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức trên quy mô thế giới. Ngày nay, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã trở thành ngày hội của nhân dân lao động Việt Nam, ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.
      Tại buổi lễ này chúng ta thể hiện lòng thành kính biết ơn vô hạn trước công lao đóng góp của Tổng Bí thư Trần Phú với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và quê hương Hà Tĩnh. Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; quê hương đồng chí là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh - vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Tổng Bí thư Trần Phú đã có những cống hiến xuất sắc, để lại cho Đảng, nhân dân ta tấm gương sáng về trí tuệ, đạo đức, khí phách của người cộng sản. Tổng Bí thư Trần Phú là tấm gương hy sinh, phấn đấu trọn đời cho lý tưởng của Đảng, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, là tấm gương sáng ngời về ý chí, nghị lực của người đảng viên cộng sản; một nhà lý luận xuất sắc của Đảng. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú đã trở thành biểu tượng cao đẹp mãi mãi để cán bộ, đảng viên và nhân dân ta kính phục, noi theo.



      Tiếp nối chương trình là các tiết mục văn nghệ đặc sắc. Như chúng ta đã biết, “Người con sông La” là một sáng tác mang đậm âm hưởng dân ca nhưng theo nhịp điệu hiện đại, hùng tráng. Ca khúc khắc đậm hình tượng người anh hùng Trần Phú lớn lên trong thời buổi đất nước chìm trong nô lệ. “Người con sông La” mang đậm nét hào hùng, lãng mạn về một người con của dòng La hiền hòa với khát khao mãnh liệt đấu tranh cho tự do của dân tộc. Bởi lẽ đó, khi những giai điệu hào hùng của bài hát tiếp tục cất lên, người nghe không khỏi bồi hồi, xúc động. Lời nhắn nhủ của người chiến sỹ cộng sản “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu. Tiếng nói ấy vang vọng ngàn đời sau. Hồn Trần Phú trong lòng dân tộc …” một lần nửa được vang lên qua giọng hát của các thầy Phạm Bá Tĩnh, Đặng Tiến Quân và Nguyễn Như Sang.



      Về với ngã ba Đồng Lộc, nơi một thời của chảo lửa chiến tranh. Câu chuyện ngày xưa như bỗng ùa về, đưa ta đến với những thời khắc khốc liệt của bom đạn nơi ngã ba nhỏ bé này. Nơi ấy, có những đoàn xe đêm đêm vẫn ra chiến trường mù mịt khói, vẫn những cô giao liên, TNXP đêm đêm làm cột chỉ đường, trong mưa bom, bão đạn vẫn ngời lên ý chí quật cường thắng Mỹ. “…Đồng Lộc ơi mười bông hoa Bất tử. Giữa bom thù trộn đất trời nắng gió. Giữa vùng trời đất không còn cây cỏ. Vẫn ngát hương nuôi huyết mạch giao thông …” Sự hy sinh anh dũng và cuộc sống, chiến đấu của 10 liệt nữ cùng lực lượng thanh niên xung phong, quân đội, công an, cán bộ giao thông… ở ngã ba này vẫn mãi trường tồn, bất tử và trở thành biểu tượng cao đẹp … được thể hiện qua tiết mục múa “Mười bông hoa bất tử” do các em học sinh 7A thể hiện





      Từ bao lâu tôi đã yêu nụ cười của bạn. Từ bao lâu tôi đã yêu quê hương Việt Nam. Những con đường nên thơ và những dòng sông ước mơ. Từ trái tim xin một lời tôi yêu Việt Nam … được thể hiện qua bài hát “Tôi yêu Việt Nam” do tốp ca học sinh 7A trình bày



      Kết thúc chương trình văn nghệ là bài "Đất nước trọn niềm vui" do thầy giáo Phạm Bá Tĩnh trình bày. Đây là một bài hát hay trong số các ca khúc viết về ngày đại thắng 30/4, đây cũng là sáng tác nổi tiếng của cố nhạc sĩ Hoàng Hà. Nhạc phẩm là tiếng lòng của tác giả, thể hiện niềm hạnh phúc vô biên khi đất nước hoàn toàn giải phóng. “Hội toàn thắng náo nức đất nước. Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang. Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam. Tổ quốc anh hùng”



      Bên cạnh các hoạt động đầy ý nghĩa chào mừng các ngày lễ lớn trong tháng Tư, phong trào giải bài, viết bài cho các báo, tạp chí và Website nhà trường được duy trì thường xuyên. Cô giáo Đặng Thị Trâm – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường đã trao phần thưởng cho 17 học sinh có bài viết trong tháng Tư.

Tác giả bài viết: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập237
  • Hôm nay34,072
  • Tháng hiện tại1,120,428
  • Tổng lượt truy cập29,645,802
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây