Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 20/11/ 2024 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức tọa đàm và vinh danh Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Trâm.

Xem tiếp...

Hình ảnh người lính trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu

Thứ tư - 02/12/2020 07:37
Bài thuyết trình: Hình ảnh người lính trong bài thơ “Đồng chí”, nhà thơ Chính Hữu của em Phan Lê Huyền Linh - 9C tại Lễ chào cờ tuần thứ 13 năm học 2020 - 2021

      Văn chương giống như một cây bút đa màu, nó vẽ lên bức tranh cuộc sống bằng những gam màu hiện thực. Văn chương không bao giờ tìm đến những chốn xa hoa mỹ lệ để làm mãn nhãn người đọc, nó tiếp cận hiện thực và tiếp nhận thứ tình cảm chân thật không giả dối. Người nghệ sĩ đã dùng cả trái tim mình để đưa bạn đọc trở lại với đời thực để cùng lắng đọng, cùng sẻ chia. Với “Đồng Chí”, Chính Hữu đã dẫn bạn đọc vào bức tranh hiện thực nơi núi rừng biên giới nhưng thấm đẫm tình đồng chí đồng đội bằng thứ văn giản dị, mộc mạc.
      Khi nhắc đến Chính Hữu, ta thường nhắc đến một nhà thơ chiến sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm của ông thường viết về chiến tranh và hình ảnh người lính với những ngôn từ hàm súc, giản dị. Bài thơ “Đồng chí” là một trong những tiêu biểu và thành công nhất của ông. Bài thơ được viết và in lần đầu trên một tờ báo đại đội ở chiến khu Việt Bắc (1948), dựa trên những trải nghiệm của Chính Hữu cùng đồng chí đồng đội trong chiến dịch Việt Bắc thu đông (1947), đánh bại cuộc tấn công quy mô lớn của thực dân Pháp vào cơ quan đầu não của ta.
      Bằng những câu thơ tự do, ngôn từ giản dị, bài thơ thể hiện ấn tượng hình ảnh người lính thời kì đầu chống Pháp và tình đồng chí đồng đội thắm thiết, keo sơn giữa các anh.
      Ngòi bút tài hoa của chính hữu cùng với những câu thơ tự do, giọng thủ thỉ tâm tình, ngôn ngữ giản dị, một cách tự nhiên Chính Hữu đã từ từ dẫn người đọc đến với cơ sở hình thành tình đồng chí:
      “Quê hương anh nước mặn đồng chua
      Làng tôi nghèo đất cày sỏi đá”

      Hai câu đầu với cấu trúc câu thơ song hành, thành ngữ dân gian “nước mặn đồng chua”, cách nói sáng tạo từ tục ngữ “đất cày lên sỏi đá” kết hợp với giọng thơ thủ thỉ tâm tình gợi cảnh hai người lính đang ngồi kể cho nhau nghe về quê hương mình. Đó là những vùng quê nghèo khó, lam lũ: Một người ở miền biển “nước mặn đồng chua”, một người ở miền trung du “đất cày lên sỏi đá”. Phải chăng chính nguồn gốc xuất thân của các anh đã làm nên bệ phóng cho tình đồng chí?
      “Anh với tôi đôi người xa lạ
      Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
      Súng bên súng, đầu sát bên đầu
      Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
      Đồng chí!”

      Đồng hoàn cảnh, chung lý tưởng đánh giặc cứu nước, các anh đã tham gia đội ngũ bộ đội kháng chiến. Cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của dân tộc chính là nơi hội tụ trái tim những người con yêu nước, đã đưa các anh từ lạ thành quen “anh với tôi đôi người xa lạ, tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”
      Có lẽ chung cuộc sống chiến đấu gian khổ bên chiến hào vì độc lập tự do của dân tộc, đã từ khi nào các anh trở thành tri kỉ của nhau:
      “Súng bên súng, đầu sát bên đầu
      Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”

      Hai câu thơ vừa mang ý nghĩa tả thực vừa mang ý nghĩa biểu trưng. Câu thơ: “súng bên súng, đầu sát bên đầu” đã gợi lên tư thế của người lính trong đêm phục kích. Họ luôn sát cánh bên nhau trong mọi khó khăn, nguy hiểm. “Súng bên súng” là chung nhiệm vụ, chung hành động; “đầu sát bên đầu” là chung chí hướng, chung lý tưởng. Chính Hữu đã dùng các từ “sát, bên, chung” gợi sự chia sẻ của người lính, ý hợp tâm giao. Hình ảnh “đêm rét chung chăn” là một hình ảnh đẹp, đầy ý nghĩa, đã cho ta thấy được sự sẻ chia những thiếu thốn gian lao trong cuộc đời người lính. Cũng sự sẻ chia ấy, Tố Hữu từng viết:
      “Thương nhau chia củ sắn lùi
      Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng"

      Tấm chăn tuy mỏng nhưng ấm tình đồng chí, đồng đội mà người lính không thể nào quên. Nó đã vun đắp lên tình đồng chí của các anh, cái tình ấy ngày một thắm thiết, càng đậm sâu. Các anh giờ đây không chỉ là tri kỉ thân thiết của nhau mà đã trở thành những người “đồng chí”.
      “Đồng chí!” Là một câu đặc biệt như một bản lề khép mở: khép lại cơ sở hình thành tình đồng chí và mở ra biểu hiện sức mạnh của tình đồng chí. Nó như nốt nhấn trên bản đàn, buộc người đọc phải dừng lại suy nghĩ về ý nghĩa mà nó gợi ra. Đó là tiếng gọi thiêng liêng của những người có chung chí hướng lý tưởng vang lên từ sâu thẳm tâm hồn người lính. Tình đồng chí là đỉnh cao của tình bạn, tình người, là kết tinh của mọi tình cảm, là cội nguồn sức mạnh để người lính vượt qua những tháng ngày khó khăn gian khổ. Hai tiếng “đồng chí” đơn sơ mà cảm động đến nao lòng, làm bừng sáng ý nghĩa của cả đoạn thơ và bài thơ.
      Mười câu thơ tiếp theo vẫn là những câu thơ tự do, ngôn từ giản dị, mộc mạc cho người đọc thấy được biểu hiện và sức mạnh của tình đồng chí. Trải qua những khó khăn nơi chiến trường, tình đồng chí đã giúp các anh có được sự cảm thông, thấu hiểu nỗi lòng, tình cảm của nhau. Những lúc ngồi cận kề bên nhau, các anh đã kể cho nhau nghe chuyện quê nhà đầy bâng khuâng, thương nhớ:
      “Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
      Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
      Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”

      Giếng nước gốc đa là hình ảnh thân thương của làng quê được nói nhiều trong ca dao xưa: "Cây đa cũ, bến đò xưa... Gốc đa, giếng nước, sân đình..." được Chính Hữu vận dụng, đưa vào thơ rất đậm đà, nói ít mà gợi nhiều, thấm thía. Gian nhà, giếng nước, gốc đa được nhân hóa, đang đêm ngày dõi theo bóng hình anh trai cày ra trận? Hay "người ra lính" vẫn đêm ngày ôm ấp hình bóng quê hương? Có cả hai nỗi nhớ ở cả hai phía chân trời, lính yêu quê hương đã góp phần hình thành tình đồng chí, làm nên sức mạnh tinh thần để người lính vượt qua mọi thử thách gian lao ác liệt thời máu lửa. Cũng nói về nỗi nhớ ấy, trong bài thơ "Bao giờ trở lại", Hoàng Trung Thông viết:
      "Bấm tay tính buổi anh đi,
      Mẹ thường vẫn nhắc: biết khi nào về?
      Lúa xanh xanh ngắt chân đê.
      Anh đi là để giữ quê quán mình.
      Cây đa bến nước sân đình,
      Lời thề nhớ buổi mít tinh lên đường.
      Hoa cau thơm ngát đồi nương,
      Anh đi là giữ tình thương dạt dào.
      (...) Anh đi chín đợi mười chờ,
      Tin thường thắng trận, bao giờ về anh?"

      Không chỉ thấu hiểu, cảm thông, các anh còn sẻ chia những thiếu thốn, gian lao và niềm vui bên chiến hào chiến đấu: Câu thơ chầm chậm vang lên nhưng lại đứt quãng, phải chăng sự khó khăn vất vả thiếu thốn của những người lính đã làm cho nhịp thơ Chính Hữu sâu lắng hơn. Đất nước ta còn nghèo, những người lính còn thiếu thốn quân trang, quân dụng, phải đối mặt với sốt rét rừng, cái lạnh giá của màn đêm. Chỉ đôi mảnh quần vá, cái áo rách vai, người lính vẫn vững lòng theo kháng chiến, mặc dù nụ cười ấy là nụ cười giá buốt, lặng câm. Tình đồng đội quả thật càng trong gian khổ lại càng tỏa sáng, nó gần gũi mà chân thực, không giả dối, cao xa. Tình cảm ấy lan tỏa trong lòng của tất cả những người lính. Tình đồng chí:
      “Là hớp nước uống chung, nắm cơm bẻ nửa,
      Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa,
      Chia khắp anh em một mẩu tin nhà,
      Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp
      Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết

                     (Nhớ, Hồng Nguyên)
      Một nụ cười lạc quan, một niềm tin tất thắng, một tình cảm chân thành đã được Chính Hữu cô lại chỉ với nụ cười - biểu tượng của người lính khi chiến đấu, trong hòa bình cũng như khi xây dựng Tổ quốc, một nụ cười ngạo nghễ yêu thương, một nụ cười lạc quan chiến thắng...
      Chính Hữu bằng những nét vẻ giản dị mộc mạc đã vẽ lên bức tranh tuyệt đẹp ngay giữa một hoàn cảnh đầy khắc nghiệt: bức tranh người lính đứng gác giữa núi rừng biên giới trong đêm khuya:
      “Đêm nay rừng hoang sương muối
      Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
      Đầu súng trăng treo.”

      Đêm nay cũng như bao đêm khác, các anh phục kích chờ giặc, chuẩn bị cho trận đánh giành thắng lợi cuối cùng trong chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947, một đêm đã đi vào lịch sử khiến người lính không thể nào quên. Các anh phục kích chủ động chờ giặc trong hoàn cảnh đầy khắc nghiệt: “rừng hoang sương muối”. “Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”. Các anh chờ giặc tới là chờ giây phút hồi hộp căng thẳng khi ranh giới của sự sống cái chết rất mong manh. Từ “chờ” đã thể hiện được tư thế chủ động của người lính trong đêm phục kích cũng là tư thế chủ động của toàn dân ta sau chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947.
      Khép lại bài thơ là hình ảnh tuyệt đẹp và thi vị, một phát hiện của người lính trong chính đêm phục kích của mình: “đầu súng trăng treo”. Câu thơ gợi từ hiện thực: đêm về khuya, người lính đứng gác trong tư thế chủ động, súng chĩa lên trời, trăng lên cao, ánh trăng trên đầu súng khiến các anh tưởng như trăng đang treo trên đầu súng của mình. “Súng” là biểu tượng của cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh mà người lính đang trải qua, “trăng” là biểu tượng của cuộc sống hòa bình trong tương lai mà người lính đang hướng tới. “Súng” là biểu tượng của người chiến sĩ, trăng là biểu tượng của thi sĩ. “Súng - trăng” là gần và xa, thực tại và mơ mộng, chất chiến đấu và chất trữ tình, chất chiến sĩ và chất thi sĩ, hiện thực và lãng mạn cũng tồn tại, bổ sung tô điểm cho vẻ đẹp cuộc đời người chiến sĩ. Ánh trăng dường như đang ngập tràn khắp núi rừng chiến khu, trên bầu trời và chiếu cả trong làn sương huyền ảo. Tâm hồn các anh, những người chiến sĩ cũng như ánh trăng ấy nồng hậu, lấp lánh ánh sáng lạc quan, luôn hướng về một ngày mai tươi sáng.
      Như vậy, “Đồng chí” giống như một lời ca nhẹ nhàng trong trẻo về tình đồng chí đồng đội. Chính Hữu đã mang đến cho thơ ca cách mạng một giai điệu mới mẻ, một bức tranh đẹp về người lính chống Pháp. Nhà thơ đã khéo léo vận dụng ngôn ngữ bình dị, tự nhiên, những tục ngữ, thành ngữ dân gian làm cho lời thơ trở nên thi vị, mộc mạc, đi thẳng đến trái tim người đọc. Bên cạnh đó với những hình ảnh biểu trưng, những câu văn sóng đôi, ngòi bút hiện thực lãng mạn của ông đã tô điểm thêm vẻ đẹp sáng ngời của tình đồng chí.
      Văn chương nghệ thuật cần đến những con người biết nhìn hiện thực bằng trái tim. Chính Hữu đã đem hiện thực vào trang viết của mình một cách tự nhiên nhưng đồng thời cũng đặt vào bức tranh ấy một viên ngọc sáng thuần khiết nhất, đó là tình đồng chí đồng đội keo sơn thắm thiết. Để rồi khi thời gian trôi qua, tác phẩm trở thành bài ca không quên trong lòng bạn đọc.



 

Tác giả bài viết: Phan Lê Huyền Linh - 9C

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập294
  • Hôm nay84,382
  • Tháng hiện tại1,526,360
  • Tổng lượt truy cập39,997,507
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây