Trong tất cả những nhân vật kiệt xuất của lịch sử loài người trong thế kỷ XX, ba tiếng Võ Nguyên Giáp chắc chắn là một trong những huyền thoại đặc biệt nhất…
Con người ông trước khi bước đến với lịch sử với tư cách là người tạo lập, tạo dựng cũng bình thường như bao người “chèo đò ngang” khác – nhất là làm nghề “chèo” cho một dòng sông học thức của sự vật vã những con số, sự bí hiểm của các tìm tòi và sự vô cùng của những thật – giả, là nghề dạy sử.
Thế nhưng, thời thế tạo ra anh hùng là câu thành ngữ có dẫn chứng rõ ràng nhất từ ông. Vì nước mất, nhà tan, Võ Nguyên Giáp đã từ chỗ đóng vai trò làm người kể chuyện, trở thành, một lần và mãi mãi, làm người anh hùng góp phần lớn lao trong việc VIẾT nên những trang sử phi thường, hiển hách của giống nòi. Nếu coi đây là “mâu thuẫn” thì con người ông luôn song hành cùng mâu thuẫn: Chẳng đúng như vậy sao khi nghề võ, họ Võ lại chọn cho mình cái tên mà “chỉ cần nhìn thấy chữ ký Văn, Bác Hồ đã biết đó là ai”… Một nửa cuộc đời chinh chiến với chiến công “chấn động năm châu, vang vọng địa cầu”; một nửa còn lại, âm thầm tỏa sáng với những khen chê của sóng ngầm, sóng dữ thời điểu tận, cung tàn… Dù ở đâu, con người và nhân cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn lung linh như ngọn nến thầm lặng của Lý Thương Ẩn (813-858) - Lạp cự thành hôi, lệ thủy can: Đã sống ở trên đời phải như ngọn nến ấy, cháy hết mình và yêu thương hết mình, chỉ đến lúc cả thân xác cháy thành tro bụi mới không còn nước mắt nữa… Nước mắt ấy phải chăng giống như chính cái tên Lệ Thủy (Quảng Bình) quê hương ông?
“Ngọn nến” Võ Nguyên Giáp đã tắt, nước mắt của cuộc đời ông đã cạn (lệ thủy can = nước mắt bắt đầu cạn) cũng là lúc nước mắt của hàng triệu con người bắt đầu tuôn rơi trên khắp mọi miền Tổ quốc. Họ là những người lính đã từng cùng ông vào sinh ra tử, họ có thể chưa hề biết mặt ông, dù chỉ một lần; cũng có thể họ là những người chưa được sinh ra ngay cả sau khi “công nghiệp” của ông đã bị mai một bởi ai đó không muốn thấy một vì sao rực rỡ...; thế nhưng, tất cả đều chung một nỗi niềm da diết: Kính trọng, biết ơn, tiếc thương, cảm phục trước sự phi thường của một Con Người! Tính mâu thuẫn của cuộc đời tạo nên rất nhiều ảo ảnh nhưng khi nó vận vào cái cụ thể của một cá nhân thì cay đắng đến xót xa.
Võ Nguyên Giáp có lẽ là điển hình kỳ diệu nhất của cả nghĩa, chữ (vỏ ngôn ngữ), hành động, nền văn hóa, nhân cách, sức mạnh, tính chịu đựng khôn cùng của chữ nhẫn… của Hồn Việt, Dân tộc Việt Nam. Không phải tự nhiên mà rất nhiều người trước kia là đối thủ, đối lập với ông về tư tưởng, hành động lại coi ông là “kẻ thù đáng kính trọng” (John McCain); cũng không hề tự nhiên khi chỉ với “chức vụ” rất nhỏ về cuối đời, Đảng và Nhà nước lại tổ chức Quốc tang để vinh danh một con người, một sự nghiệp, một nhân cách chưa hề có tiền lệ. Và, hết sức là tự nhiên, bình dị khi đã lâu lắm rồi, suốt 44 năm qua (kể từ tháng 9.1969) mới có một đám tang đặc biệt đến thế, gây xúc động nhiều như thế…
Những câu hỏi của lịch sử vẫn còn đó bởi người làm ra lịch sử Võ Nguyên Giáp lại không thể viết rõ về mình. “Dao sắc không thể gọt được chuôi” chỉ là một phần của câu trả lời bởi câu trả lời đầy đủ, chính xác về những gì Võ Nguyên Giáp đã có, đã làm, đã yêu thương, lo lắng cho đồng bào, đồng chí, vận nước, giang sơn…, đều đã được 90 triệu người dân nhận chân một cách đủ đầy. Nhân dân bao giờ cũng sáng suốt, Nhân dân bao giờ cũng minh bạch khi đánh giá công lao, nhân cách của một vĩ nhân. Võ Nguyên Giáp thực sự là vĩ nhân của mọi cuộc chiến tranh giải phóng chừng nào còn có ách áp bức, xâm lược. Ông là vĩ nhân chừng nào con người còn cần đến một trái tim để sẻ chia, để khóc và để nuối tiếc, ghi ơn.
Có rất nhiều chuyện kể về ông nhưng có thể câu chuyện về căn nhà “nguyên trạng” – ngày “xưa” được cấp thế nào giờ vẫn y nguyên như thế, là câu chuyện bình dị nhất làm xúc động trái tim của con người nhiều nhất. 103 năm đã trôi qua, hai thế kỷ đã bước qua nhưng con người ông vẫn thế: Không tìm cách để “hưởng” vinh hoa, phú quý khi đất nước đang nghèo; không thay đổi bản lĩnh và cách nhận thức cuộc đời dẫu cho thói đời vần vụ đổi thay; không hề nghĩ cho mình khi ông luôn tâm niệm dĩ dân vi thượng. Tại sao với tư cách là một trong những người đầu tiên làm nên Thời đại Hồ Chí Minh và là người cuối cùng của thế hệ đó lại khiêm nhường, trân trọng trí thức đến thế? Tại sao một tướng lĩnh lại được giới khoa học tôn trọng gần như sùng kính? Tại sao có rất nhiều những nỗi phiền muộn mà cho đến tận giây phút cuối cùng, ông chẳng hề than trách một lần? Những “tại sao” càng nhiều lại càng làm cho Võ Nguyên Giáp trở nên tinh khôi hơn, vẹn nguyên hơn trong mọi bĩ cực nhức buốt của cuộc đời…
Tính từ khi ông vĩnh biệt cõi trần (4.10.2013) đến khi cả nước trang trọng đưa ông về với cõi vĩnh hằng, chỉ có 10 ngày. Vậy mà, đã có hàng ngàn bài viết, bài thơ và cả bài hát viết về ông. Tất cả vẫn là chưa đủ bởi ông là người anh hùng trong chiến tranh giải phóng, người tỏa sáng trong mọi uẩn khúc cuộc đời và, mãi là người, sống bất tử trong lòng Nhân Dân…
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn