Thể lệ Cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 47 - năm 2018

Thứ sáu - 26/07/2019 07:13
Chủ đề: “Hãy tưởng tượng bạn là một lá thư du hành xuyên thời gian. Bạn muốn gửi gắm điều gì tới người đọc?.” ( “Imagine you are a letter travelling through time. What message do you wish to convey to your readers?”)
A. ĐƠN VỊ TỔ CHỨC:
      Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong. 
B. MỤC ĐÍCH – Ý NGHĨA :
      Hàng năm, Liên minh Bưu chính Thế giới (gọi tắt là UPU) tổ chức Cuộc thi Viết thư Quốc tế dành cho trẻ em, nhằm:
      - Góp phần phát triển khả năng viết văn và sự phong phú trong tư duy sáng tạo của các em.
      - Tạo điều kiện  thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc trong thế hệ trẻ.
      - Giúp các em hiểu thêm về vai trò của ngành Bưu chính trong cuộc sống và phát triển xã hội. 
C. THỂ LỆ:
 1.Đối tượng: Tất cả học sinh Việt Nam dưới 15 tuổi (tính đến 31/12/2017).
 2. Quy định về bài thi:
      - Bài thi là một bức thư viết dưới dạng văn xuôi (chưa đăng báo hoặc in sách), dài không quá 1.000 từ.
      - Các bài dự thi viết bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt gửi kèm. Ban Giám khảo chấm bản tiếng Việt.
      - Bài viết rõ ràng, sạch sẽ, viết tay trên một mặt giấy (bài đánh vi tính hoặc photocopy là không hợp lệ).
      - Ở góc trên cùng bên trái, ghi đầy đủ: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, địa chỉ trường, lớp, huyện (thị), tỉnh (thành phố) hoặc địa chỉ gia đình. Bài dự thi không ghi đầy đủ các nội dung trên sẽ bị loại.
      - Trong nội dung bức thư, tác giả không được nêu cụ thể tên, trường lớp, địa chỉ của mình.
      - Bức thư phải là sản phẩm sáng tạo của cá nhân người viết.
      * Bài dự thi phải cho vào phong bì có dán tem, ghi rõ địa chỉ người gửi/địa chỉ nơi nhận kèm mã bưu chính (112815) và gửi từng bức thư qua đường Bưu điện. Phong bì thư cần ghi rõ: Dự thi Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU 47 (2018).
3. Nơi nhận bài thi: 
      Báo Thiếu niên Tiền phong, số 5, Hòa Mã, Hà Nội - 112815
4. Thời gian: Từ ngày 20-10-2017 đến 10-3-2018 (theo dấu Bưu điện).
5. Một số yêu cầu: 
      - Không thành lập Ban Tổ chức và chấm chọn bài tại địa phương.
      -  Không bắt buộc 100% học sinh tham gia.
      -  Bản quyền các bài thi thuộc về Ban Tổ chức.
      -  Số hiệu : 112815 là mã Bưu chính của Báo Thiếu niên Tiền phong.
6. Trang Fanpage chính thức của cuộc thi: Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU Việt Nam 
D. GIẢI THƯỞNG:
1. Giải thưởng Quốc gia:
      - Các thí sinh đạt giải Nhất, Nhì được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo”.
      - Ban Tổ chức hỗ trợ chi phí đi lại, ăn nghỉ cho các thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba và kèm hai người thân (phụ huynh và nhà trường) dự Lễ tổng kết và trao giải thưởng.
Giải cá nhân:
      - Giải chính thức:
       + 01 giải Nhất: 5.000.000đ;
       + 03 giải Nhì, mỗi giải: 3.000.000đ;
       + 05 giải Ba, mỗi giải: 2.000.000đ;
       + 30 giải Khuyến khích, mỗi giải: 1.000.000đ.
       - Các giải đồng hành:
      + Giải dành cho thí sinh là người dân tộc thiểu số: 1.000.000đ;
      + Giải dành cho thí sinh là người khuyết tật:1.000.000đ;
      + Giải “Cây bút triển vọng”, mỗi giải: 500.000đ.
Giải tập thể:
      Các trường có học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba được nhận giải tập thể, mỗi giải 1.000.000đ.
 2. Giải thưởng Quốc tế:
       Bức thư đoạt giải Nhất Việt Nam sẽ được Ban Tổ chức gửi nguyên văn kèm theo bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Pháp để tham dự Cuộc thi Viết thư Quốc tế. Nếu đạt giải, sẽ được tặng thưởng: Giải Nhất: 30 triệu đồng; Giải Nhì: 20 triệu đồng; Giải Ba: 15 triệu đồng; Giải Khuyến khích: 10 triệu đồng;  được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. 
E. BAN TỔ CHỨC:
Trưởng ban: Ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Phó trưởng ban:
      - Ông Nguyễn Đức Quang, Tổng Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong,
      - Bà Trần Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TTTT,
      - Bà Chu Thị Lan Hương, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam,
      - Ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV- Bộ Giáo dục và Đào tạo,
Và các ủy viên. 
F. BAN GIÁM KHẢO:
      Trưởng ban : Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
      Phó Trưởng ban : Nhà báo Nguyễn Đức Quang, Tổng Biên tập Báo TNTP.
      Các ủy viên: Nhà báo Phạm Thành Long, nhà biên kịch Vũ Quang Vinh, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà văn Lê Phương Liên, nhà báo Hữu Việt, nhà giáo Nguyễn Thụy Anh, nhà báo Đỗ Thị Thanh Bình, nhà giáo Trần Thị Kim Dung, nhà văn Phong Điệp, nhà giáo Nguyễn Thị Hậu.
Ban Tổ chức đề nghị các cấp, các ngành phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, nhà trường, các em học sinh tham gia cuộc thi với chất lượng cao nhất.
                                                                       

                                             BAN TỔ CHỨC CUỘC THI


                              TRAO ĐỔI CỦA BAN GIÁM KHẢO VỀ CHỦ ĐỀ
                   CUỘC THI VIẾT THƯ QUỐC TẾ UPU LẦN THỨ 47 NĂM 2018

Chủ đề (tạm dịch): “Hãy tưởng tượng bạn là một lá thư du hành xuyên thời gian. Bạn muốn gửi gắm thông điệp gì tới người đọc?”
Tiếng Anh: “Imagine you are a letter travelling through time. What message do you wish to convey to your readers?”
 
I. MỘT SỐ LƯU Ý TRƯỚC KHI BẮT ĐẦU
      Trước khi các em tham khảo phần trao đổi của ban Giám khảo về chủ đề của Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU 47, xin lưu ý các em những điều quan trọng như sau:
      - Các em cần đọc kỹ thể lệ của cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU năm nay. Ban Tổ chức và Ban Giám khảo cuộc thi đặc biệt nhấn mạnh yếu tố độc lập, sáng tạo, nghĩa là bức thư phải là sản phẩm sáng tạo của cá nhân người viết.
      - Về phần kỹ thuật viết thư, các em cố gắng tuân thủ để có một bài dự thi đúng thể thức, đúng yêu cầu.
      - Về phần nội dung bức thư: Đề tài của cuộc thi năm nay rất rộng lớn nên cũng  là “mảnh đất màu mỡ” để sự hiểu biết và trí tưởng tượng của các em bay cao bay xa. Vì vậy, các em hãy coi gợi ý này là một sự định hướng và hãy tự do bay bổng trong thế giới của các em nhé! 
II. VỀ KỸ THUẬT VIẾT THƯ
      * Bức thư phải được viết dưới dạng văn xuôi và tuân thủ đúng thể thức của một bức thư như các em đã được thầy cô giáo hướng dẫn ở trường.
      * Các em hãy viết bức thư của mình bằng những câu văn rõ ràng, mạch lạc và có cảm xúc. Nếu trong bức thư có nhiều hình ảnh sinh động, hoặc cách so sánh hợp lý thì càng lôi cuốn, hấp dẫn và thuyết phục người đọc. Những bức thư đoạt giải cao thường   là những bức thư làm lay động trái tim người đọc không chỉ bởi ý tưởng, kết cấu bức thư mà còn bởi những cảm xúc chân thành mà người viết thể hiện.
      * Các em chú ý không viết bức thư dài quá 1000 từ. Có một quy định mới trong thể lệ năm nay là, các em không viết tên hay địa chỉ của mình ở trong nội dung bức thư. 
III. VỀ CHỦ ĐỀ CUỘC THI VIẾT THƯ QUỐC TẾ UPU LẦN THỨ 47
      1.Chủ đề năm nay chỉ đưa ra một giới hạn duy nhất: em hãy tưởng tượng mình là một bức thư. Hãy đóng vai một bức thư và sứ mệnh của bức thư là chứa đựng thông tin, là sự kết nối, trao đổi, chia sẻ suy nghĩ, tình cảm, ý tưởng, mong muốn, ước mơ… của người này với người khác.
      Nhưng các em lưu ý nhé, đó phải là một bức thư du hành xuyên thời gian, có nghĩa là, bức thư ấy có thể đến từ quá khứ, ở ngay hiện tại hoặc đi tới tương lai. Có rất nhiều tác phẩm văn học và điện ảnh trên thế giới về đề tài du hành xuyên thời gian, thể hiện khát vọng của con người trong giấc mơ chinh phục vũ trụ. Quen thuộc nhất với chúng ta là câu chuyện của Doraemon, chú mèo máy có cánh cửa thần kỳ xuyên không gian và thời gian. Bước qua cánh cửa ấy, thế giới của con người trở nên không giới hạn. Du hành xuyên thời gian, nghĩa là các em có thể chọn bất cứ thời điểm nào theo cái trục dọc vô tận của thời gian cho cuộc hành trình của mình. Có bạn chọn chuyến du hành từ quá khứ đến hiện tại hay từ hiện tại đến tương lai. Hoặc có bạn sẽ đi theo một chuỗi liên hoàn từ quá khứ đến tương lai. Điều đó tùy thuộc vào ý tưởng và cảm xúc của các em.
      Tưởng tượng mình là một cánh thư mỏng manh nhưng để lá thư ấy có sức thuyết phục, có sức mạnh “vô đối”, các em phải bồi đắp một cuộc hành trình đầy thú vị cho lá thư của mình nhé!
      2. Phần quan trọng nhất của bức thư là lựa chọn một điều gì đó: một câu chuyện, một sự việc hiện tượng hay một vấn đề… để gửi đến những người đọc thư. Đó phải là những điều em trăn trở, em tâm đắc, em ước mơ hay em mong muốn làm cho tốt đẹp hơn.
      Điều em trăn trở nhất là gì? Từ những vấn đề lớn lao của lịch sử, của nhân loại: môi trường tự nhiên, xã hội, cuộc sống con người trong quá khứ, hiện tại hoặc tương lai hay những vấn đề gần gũi hơn trong cuộc sống của các em: quê hương đất nước, ngôi trường em đang học, bạn bè, thầy cô, gia đình…
      Vì sao em quan tâm đến điều đó? Hãy lý giải thật rành mạch và hấp dẫn nhé! Những vấn đề lớn lao hay nhỏ bé, nhưng đều phải chứa đựng trong đó những bức thông điệp thật ý nghĩa, thật thấm thía và sâu sắc.
      Các em cần tạo ra một “lực hấp dẫn” cho lá thư của mình. Lực hấp dẫn ấy khiến người đọc thư cùng chia sẻ, trăn trở hay có thể là tranh luận, phản biện với điều em đưa ra. Nhưng cuối cùng, cả người viết và người đọc thư đều tìm ra được những điểm chung, hướng tới những suy nghĩ và hành động tích cực, nhân văn.
Chúc các em, những lá thư của mùa Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 47 có những chuyến du hành xuyên thời gian tuyệt vời nhất!
 
              BAN GIÁM KHẢO QUỐC GIA
CUỘC THI VIẾT THƯ QUỐC TẾ UPU LẦN THỨ 47

Tác giả bài viết: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập151
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm148
  • Hôm nay38,372
  • Tháng hiện tại1,037,840
  • Tổng lượt truy cập29,563,214
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây