Tại sao thế? Có lẽ chúng ta đều biết sách là một trong những phát minh vĩ đại của con người, là sự đúc kết những tri thức, thành tựu, tinh hoa của nhân loại. Thế nên trong đời sống của chúng ta sách đóng vai trò rất quan trọng. Sách vừa là người thầy siêu việt, như một ngọn đèn thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô tận, dạy cho chúng ta biết cách sống, cách làm người và hướng tới những giá trị nhân văn cao cả. Sách vừa là người bạn tâm giao mang lại cho ta nguồn vui, nguồn an ủi… Sách là công cụ giải trí hữu hiệu cho tâm hồn ta thư thái yêu đời. Chính vì vậy mà từ lâu sách đã trở thành một như cầu không thể thiếu của loài người trên thế giới.
Để tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, Việt Nam chúng ta lấy ngày 21/4 làm ngày Sách Việt Nam. Ngày 21/4 là thời điểm chủ tịch Hồ Chí Minh ra mắt cuốn sách Đường Kách Mệnh - tác phẩm đầu tiên bằng Tiếng Việt, đến nay đã 91 năm. Hưởng ứng ngày Sách đầy ý nghĩa em xin được giới thiệu cuốn tiểu thuyết “ Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi.
Đoàn Giỏi (1925 - 1989) quê ở tỉnh Tiền Giang, viết văn từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954). Những tác phẩm của ông thường viết về thiên nhiên, cuộc sống và con người ở Nam Bộ. Một số tác phẩm của ông đã xuất bản: Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày; Cá bống mú; Tê giác trong rừng xanh …
“Đất rừng phương Nam” là truyện dài nổi tiếng nhất của ông. Truyện kể về quãng đời lưu lạc của cậu bé An -nhân vật chính tại vùng đất rừng U Minh, miền Tây Nam Bộ trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. An là một cậu bé thành phố. Giặc đến, cậu cùng bố mẹ chạy nạn ở nhiều nơi. Ở đâu cũng vậy, cứ được vài ngày thì giặc lại tấn công, gia đình cậu lại đi theo dòng người di tản. Một lần, do ham chơi, cậu bị lạc mất gia đình. Cậu đi quá giang thuyền của anh học sinh Cô - le. Lần nữa, do sự chểnh mảng và ham chơi, cậu lại bị bỏ rơi. An đã trở thành “thằng bé tản cư” của “xóm chợ nhỏ ở một vùng quê xa lạ” như thế.
Cậu làm việc vặt để kiếm sống. May mắn, cậu được dì Tư Béo nhận nuôi và trở thành chú bé hầu rượu ở quán của dì Tư Béo. Một ngày, dì Tư đóng cửa quán đi đòi những khoản nợ của người khác, An đi lang thang chơi và gặp ông lão bán rắn - tía nuôi của cậu sau này, cậu cũng nhặt được cái túi da beo mà ông lão để quên. Cũng ngày hôm đó, khi lén nhìn mụ vợ Tư Mắm - khách quen của quán, viết cậu phát hiện vợ chồng hắn là Việt gian. Bị phát hiện, dù rất sợ nhưng cậu vẫn bình tĩnh giả vờ rằng thấy chữ đẹp mà chả hiểu gì cả. Cuối cùng, mọi việc đổ bể khi dì Tư Mắm buột miệng nói rằng cậu giỏi tiếng Tây. An hoảng sợ, lúc dì Tư Mắm bảo cậu đi ngủ thì cậu chỉ giả vờ vào thuyền rồi lẹ làng trốn vào một cái cây. Đoạn văn tả một bóng đen khủng khiếp : “Đôi vai rộng bè khom khom chồm tới trước như một con giả nhơn; khi hắn ngóc lên, tôi vừa kịp trông thấy một nửa quai hàm bạnh ra, trán rất thấp, vòm mắt nhô cao, lông mày rậm rịt. Hắn cởi trần, bắp thịt nổi cuồn cuộn lấp loáng dưới ánh trăng” để lại cho người đọc một sự liên tưởng rằng bóng đen đó không phải là đồng loại...
Nhờ sự nhanh trí An thoát chết dưới bàn tay của vợ chồng Việt gian nhưng quán của dì Tư Béo bị cháy. Dì Tư sẽ đi lên Thới Bình để tiếp tục làm ăn và muốn An đi cùng dì nhưng cậu lại nói dối là ở lại chờ một người quen. Dì Tư đi rồi, cả đoàn thuyền của anh học sinh Cô - le cũng đi luôn, An ở tại một cái miếu cô hồn. Sau đó, cùng với chiếc túi da beo, An ra đi, bắt đầu cuộc sống phiêu lưu của mình. Đi mãi, cuối cùng, cậu gặp lại ông lão bán rắn và trả lại cho ông chiếc túi da beo. Ông lão mừng rỡ lắm, quyết định nhận cậu làm con nuôi và danh xưng “tía nuôi tôi” có từ đó.
Ở với gia đình “tía nuôi tôi”, An đánh bạn với Cò - con của tía má nuôi. Và từ đó bao nhiêu chuyện thú vị và mới mẻ đã đến với An. Từ chuyện đi câu rắn rồi đến lấy mật, cậu đã được trải nghiệm những nét thú vị nguyên bản của vùng đất Tây Nam Bộ thiên nhiên hoang dã. Cậu làm quen với chú Võ Tòng, một người khỏe mạnh, trai tráng. Nhưng dường như cái rủi cứ đeo bám An mãi. Vừa tạm biệt chú Võ Tòng, cậu gặp một trận cháy rừng lớn khủng khiếp, động vật náo loạn chạy theo tía và cậu. Rồi chú Võ Tòng cũng chết. Tía nuôi của cậu bèn trả thù bọn giặc, bắn mũi tên tẩm thuốc độc của chú Võ Tòng vào vợ tên Tư Mắm.
Bọn giặc càng điên cuồng tàn phá. Cuối cùng, gia đình của An lại phải xuôi thuyền về U Minh để sống. Trên đường, tía của An gặp một phường săn cá sấu và ông quyết định sẽ định cư tại đây. Giặc lại đến, tía của cậu phải bỏ nghề săn để tản cư về U Minh - lựa chọn ban đầu của ông. Thuyền dừng lại hai lần: một lần ở Sróc Miên để lấy thuốc cho thằng Cò, một lần là ở “sân chim” với hàng trăm nghìn loài chim mà An chưa được thấy bao giờ. Cuối cùng, tía nuôi của An dựng nhà tại một xóm nghèo - nơi mà bọn giặc khó có thể phát hiện.
Một ngày, An ngạc nhiên khi thấy tía nuôi cứ vắng nhà liên tục, lúc lại đem ít đồ đạc đi đâu đấy. Tính tò mò trỗi dậy, cậu bí mật dắt chú chó Luốc đi theo tía. Và đúng như cậu đoán, tía của cậu đi gặp các anh bộ đội ở trong rừng. Tại đây, cậu gặp lại chú Huỳnh Tấn - một người đã ăn trong quán của dì Tư Béo trước đây. Và cuối cùng, tía của cậu quyết định rằng sẽ cho cậu đi lên đường chiến đấu. Câu kết của thiên truyện “Tôi cúi đầu chào tía nuôi tôi, chào má nuôi tôi, gởi lời chúc thằng Cò mau mạnh khỏe, rồi xốc lại con dao găm và quả lựu đạn đeo bên thắt lưng, rướn người nhảy phóc xuống thuyền” để lại trong lòng người đọc bao xúc động, mến yêu…
Với “Đất rừng phương Nam”, Đoàn Giỏi đã đưa ta đến mảnh đất phía Nam của tổ quốc với thiên nhiên hoang dã, trù phú với người dân Nam Bộ giản dị, bộc trực, phóng khoáng như bưng biền, như sông nước và tình yêu đất nước của họ như dòng sông Năm Căn miệt mài chảy ra biển cả. Đọc những trang sách này, ta mơ ước có ngày được vào đất mũi Cà Mau để say ngắm và khám phá những bí ẩn mà Đoàn Giỏi đã giành trọn cả đời để viết, để yêu thương.
Hãy đến với “Đất rừng phương Nam” các bạn nhé!