Bài thuyết trình "Học tập là suốt đời”

Thứ tư - 31/07/2019 23:16
... Tại sao chúng ta cần phải học tập suốt đời? Trong suốt cuộc đời, sự hiểu biết của mỗi người luôn hết sức nhỏ bé so với với kiến thức mênh mông, vô hạn của nhân loại ...
Trước khi đi vào nội dung chính của bài thuyết trình, tôi mong các bạn hãy cùng tôi ngược dòng lịch sử cùng hình dung về quá trình khi con người tiến hoá từ loại vượn, biết đứng bằng hai chân, biết lao động, biết sử dụng lửa cũng là lúc con người bắt đầu có ý thức tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh. Nhiều ngàn năm đã trôi qua, trên tiến trình phát triển, sự tìm tòi tích lũy tri thức của nhân loại chưa bao giờ gián đoạn để rồi trong hiện tại và tương lai chúng ta được kế thừa và tiếp tục phát triển kho tàng tri thức khổng lồ kia, tiếp tục làm đầy thêm. Và tôi nghĩ sự kế thừa, phát triển ấy chính là điều mà tôi muốn thuyết trình hôm nay: “Học tâp là suốt đời.”
      Vâng, chúng ta đều hiểu đây là một nhận thức đúng đắn. Bởi học tập là quá trình tiếp thu tri thức của nhân loại từ sách vở, từ cuộc sống, từ những người xung quanh ta. Bạn hãy hình dung, con đường mà chúng ta đã đi trong những năm qua trên ghế nhà trường chỉ mới là sự khởi đầu; bạn đừng bao giờ nghĩ rằng con đường học tập của chúng ta sẽ kết thúc khi bạn tốt nghiệp phổ thông, cao hơn nữa là đại học, cao học..Thực ra thời điểm ấy ta chỉ mới hoàn thành chặng đầu tiên. Bạn bước ra đời, con đường ấy sẽ tiếp tục mở ra phía trước. Bạn sẽ học trên đường đời, học từ cuộc sống, học đứng dậy sau vấp ngã, học cách trưởng thành, học cách yêu thương, tha thứ…Và bởi “biển học là vô bờ, chỉ có thể lấy siêng năng làm bờ bến” nên việc học của chúng ta là học tập suốt đời..  
      Tại sao chúng ta cần phải học tập suốt đời? Trong suốt cuộc đời, sự hiểu biết của mỗi người luôn hết sức nhỏ bé so với với kiến thức mênh mông, vô hạn của nhân loại. Thực tiễn đời sống thì muôn hình vạn trạng, thiên nhiên, vũ trụ thì vô tận, đời người thì hữu hạn làm sao có thể hiểu hết, khám phá được hết?  Khoa học cũng ngày một phát triển cao, công nghệ ngày càng hiện đại nếu chúng ta không tiếp tục học tập tích lũy thì nghĩa là ta đang lùi lại, lùi lại chứ không phải đứng yên bởi “việc học như bơi thuyền ngược nước, không tiến ắt sẽ lùi”. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay, khi mà chỉ mỗi giây trôi qua là có hàng nghìn những tri thức, khám phá mới được cập nhật, nếu bạn không bước kịp bước tiến của xã hội bạn sẽ bị đào thải ngay, tôi tin thế!
      Vậy làm sao ta có thể thực hiện được việc học tập suốt đời? Thật không dễ, nếu không muốn nói là rất khó. Với tôi, ở góc nhìn của một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, tôi chưa thể hình dung và trả lời trọn vẹn câu hỏi đó. Nhưng tôi nghĩ, quan trọng và trước hết, để thực hiện được điều đó, ta cần xác định cho mình những mục tiêu phù hợp trên mỗi chặng đường đời. Ví dụ như, khi đang ngồi trên ghế nhà trường, học tập chắc chắn là nhiệm vụ chủ yếu của chúng ta, bước ra trường đời, ta sẽ xác định cho mình những mục tiêu phù hợp, cố gắng hoàn thành, cố gắng tiến về phía trước. Hơn nữa, bạn cũng cần xác định mục tiêu học tập suốt đời cần sự kiên trì và nhẫn nại, ý chí và nghị lực..và “trên con đường thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng”…. Đường đến thành công không bao giờ trải đầy hoa hồng cho chúng ta, tất nhiên sẽ có những khó khăn và thử thách dành cho mỗi người. Vậy nên ngay từ bây giờ, cần tạo cho mình động lực để phấn đấu, xác định được ước mơ cho mình để có mục đích để cố gắng. Nhất là tuổi trẻ khi “Đời người chỉ có sống có một lần,phải sống làm sao để không phải ân hận, xót xa, hối tiếc vì những năm tháng sống hoài, sống phí”. Và để kết thúc cho phần thuyết trình hôm nay, tôi xin nhắc lại thông điệp ý nghĩa đã được Liên hiệp quốc thông qua về mục đích của việc học: HOC ĐỂ BIẾT- HỌC ĐỂ HÒA NHẬP- HỌC ĐỂ CHUNG SỐNG- HỌC ĐỂ PHÁT TRIỂN

Tác giả bài viết: Trần Thị Hà Trang - 9C

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập234
  • Hôm nay39,845
  • Tháng hiện tại412,154
  • Tổng lượt truy cập30,113,442
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây