Mẹ tôi !

Thứ tư - 31/07/2019 23:20
Nhân ngày 20/20, BBT trân trọng gửi đến bạn đọc trang viết về mẹ của em Nguyễn Thị Quỳnh Trang (học sinh lớp 8A). Đây có thể coi là một tản văn hay, xúc động, sáng lên lòng hiếu thảo và vẻ đẹp muôn đời của người phụ nữ Việt Nam
“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/ Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không” là một thông điệp tuy nhẹ nhàng mà thấm thía, sâu sắc. Có lẽ  trong chúng ta khi đọc câu nói này cũng đều cảm thấy thương mẹ vô cùng. Những ai còn mẹ thì hãy trân trọng, đừng làm đau lòng hay chỉ là làm mẹ buồn dù là một chút…
      Hỏi thế gian, mẹ là ai? Nhà văn Thiên Hương có viết: “Mẹ là vị thần linh đã chuyển hóa ta từ tượng đất bất động thành sinh vật có linh hồn, biết yêu thương, biết suy nghĩ”. Nhưng với tôi, mẹ là sự ấm áp, là tình yêu thương, bao bọc, che chở và là những gì quý giá nhất, mộc mạc nhất trên thế gian này.
      Mẹ tôi là người gốc Huế, sống xa quê nay đã được mười lăm năm có lẻ và Đức Thọ - Hà Tĩnh là quê hương thứ hai của gia đình tôi. Huế - Đức Thọ, khoảng cách xa xôi nên gánh nặng trên vai mẹ nặng gấp bội phần. Mẹ tôi có bốn người con. Bốn anh chị em tôi đã lớn lên trong vòng tay bao bọc yêu thương của mẹ. Để nuôi lớn chúng tôi đến ngày hôm nay, mẹ phải trải qua một chặng đường dài: gian khổ có, hạnh phúc có. Mẹ luôn dành cho chúng tôi tình yêu thương vô bờ bến không thể nào đo đếm được và cũng chẳng thể nào làm nó vơi đi… Nhiều khi nhìn giọt nước mắt mẹ rơi vì anh em chúng tôi không được như những gì mẹ kì vọng tôi buồn vô cùng. Sự kì vọng của mẹ đâu có gì lớn lao, chỉ là muốn anh em chúng tôi chăm ngoan học giỏi để sau này sống có ích, có nghề nghiệp ổn định. Chúng tôi hiểu song chỉ có điều dường như những cố gắng của chúng tôi vẫn đang là những lời hứa…
      Mẹ tôi là người vợ hiền, thương chồng hết mực. Mẹ luôn nói dịu dàng nhã nhặn đối với ba tôi và cả với con cái. Mẹ thương ba tôi vất vả và thường nói với chúng tôi: Cái nghề xây dựng của ba cực lắm, nhiều rủi ro lắm, các con phải biết thương ba, nghe lời ba. Mẹ tôi là người rất chăm lo cho gia đình, mọi việc nhà đều một tay mẹ quán xuyến, thu vén chu toàn. Mẹ tôi chẳng khi nào than vãn lấy nửa lời với ba tôi về chi phí học hành của con cái, chi phí sinh hoạt gia đình… Nhìn mẹ tôi lại thấy thương và kính trọng mẹ vô cùng. Nếu hỏi phụ nữ rằng có ai không thích làm đẹp và chưng diện không thì tôi tin rằng hiếm ai trả lời không. Nhưng mẹ tôi sống giản dị, không chưng diện, không tiêu xài hoang phí cho bản thân; mẹ chỉ toàn tâm lo cho gia đình không bao giờ thiếu thốn, khó khăn.
Chăm sóc cho những đứa con, cho chồng, mẹ còn chăm sóc mẹ chồng hết sức chu đáo. Bà nội tôi bị mù cách đây hai mươi năm rồi, các cô các chú đã thay nhau chăm sóc cho bà nhưng không ai hết lòng, cũng chẳng ai làm bà vừa lòng cả. Tính ra, mẹ săn sóc nội tôi cũng được mười năm rồi. Suốt mười năm nay mẹ tôi tần tảo sáng tối lo cho cả đại gia đình của mình. Tuy rằng kinh tế gia đình không dư giả nhưng thấy mẹ tôi quá vất vả và sức khỏe ngày một yếu ba tôi muốn thuê người giúp việc phụ mẹ chăm bà nhưng mẹ tôi không đồng ý. Mẹ bảo chăm bà là một cách báo hiếu, bà cũng chẳng sống được với con cháu bao lâu nữa nên mẹ muốn mình là đôi mắt của bà, cho bà ánh sáng của quãng đời còn lại.
      Ngoài bà ra, mẹ tôi còn phải lo lắng và chăm sóc bác tôi – một người bác không gia đình, không tài sản, chỉ có một tấm thân tàn tật. Bố tôi thương bác đã đành vì là máu mủ, còn mẹ tôi cũng rất thương bác. Tôi còn nhớ chính mẹ tôi đã đề nghị bố đưa bác ra Đức Thọ để bác có nơi nương tựa. Lúc đó tôi thấy mẹ sao mà vị tha đến vậy. Chăm bà đã khó chăm bác càng khó hơn vì bác là đàn ông nhưng mẹ vẫn không nề hà. Thời gian gần đây tôi đã lớn hơn, tôi thường thay mẹ  giúp đỡ bác những lúc bác ốm đau, thế nhưng mẹ vẫn không muốn cứ bảo không phải việc của con, con cứ lo mà học. Lúc đó tôi muốn nói với mẹ rằng con đang học đó mẹ ơi, con học mẹ!
      Trên đôi vai gầy của mẹ không chỉ lo cho tổ ấm nhỏ bé của mình, cho nhà chồng mà mẹ còn có một tình yêu thương, lo lắng đặc biệt hơn đó là bà ngoại của tôi. Mẹ bảo mẹ thương bà lắm! Ông ngoại tôi bỏ bà đi khi bà mới bốn mươi tuổi, bà sống vậy cặm cụi nuôi con đến nay cũng vừa vặn bốn mươi năm. Ngoại đổ bệnh cũng đã dăm năm và yếu lắm. Dù ở cách xa nhưng mẹ vẫn quan tâm, lo lắng thường  xuyên gọi điện hỏi thăm và mua thuốc cho bà. Nhiều khi thấy mẹ thẫn thờ khi nghe tin sức khỏe ngoại xấu đi tôi thương mẹ thương ngoại vô cùng mà chẳng biết làm gì chỉ biết an ủi mẹ… Có lúc tôi muốn áp tay lên ngực mẹ và ước chừng xem quả tim của mẹ tôi lớn cỡ nào mà chứa yêu thương được tất thảy. Và có lúc “Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn là một thứ quả xanh non” như cảm giác của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm với mẹ vậy!
      Mẹ tôi là thế! Trang giấy nhỏ bé không thể nói hết tình cảm và nghị lực lớn lao trong mẹ. Trang giấy nhỏ bé cũng không thể nói hết tình yêu và lòng kính trọng mẹ trong tôi. Với mẹ, tôi chỉ biết nói rằng con rất tự hào khi được làm con gái của mẹ - mẹ ơi!

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Quỳnh Trang - 8A

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập330
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm326
  • Hôm nay30,611
  • Tháng hiện tại402,920
  • Tổng lượt truy cập30,104,208
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây