Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 20/11/ 2024 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức tọa đàm và vinh danh Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Trâm.

Xem tiếp...

Bếp lửa tình bà

Thứ tư - 31/07/2019 22:54
Có bao giờ chúng ta tự hỏi: điều gì đã có sự ảnh hưởng sâu sắc và nâng đỡ chúng ta trong suốt hành trình dài rộng của cuộc đời? Phải chăng đó là cha, là mẹ, là người bạn tuổi thơ hay là cánh diều biếc, dòng sông xanh,..?
Đối với Bằng Việt tình cảm của bà đã thắp lên ngọn lửa niềm tin, tình yêu thương trong lòng ông. Và hình ảnh bếp lửa chính là biểu tượng cho tình bà ấm áp để ông được nhớ về, dựa vào mỗi lúc đi xa. Vậy hình ảnh bếp lửa đã hiện lên như thế nào để có thể để lại nhiều ám ảnh sâu sắc trong lòng người đọc? Hãy đắm mình vào những câu thơ của Bằng Việt để cảm nhận hình ảnh bếp lửa và tình bà ấm áp.
      Như chúng ta thấy, hình ảnh quen thuộc trong mỗi căn nhà Việt Nam từ xưa đến nay chính là bếp lửa. Nó đã gắn bó với mỗi người Việt Nam từ thuở ấu thơ và trong suốt cuộc đời. Để rồi từ hình ảnh giản dị,đời thường ấy, bếp lửa đi vào thơ BV một cách chân thực, sinh động qua sự hòa quyện với hình ảnh người bà.
      Ở thời điểm hiện tại, trong cái lạnh giá buốt của mùa đông xứ người với bếp lửa ga, bếp lửa điện hiện đại, BV nhớ về bếp lửa quê nhà. Ngay từ đầu bài thơ, bếp lửa đã hiện lên thật đẹp, huyền áo và đầy ấn tượng:
                         Một bếp lửa chờn vờn sương sớm 
                         Một bếp lửa ấp iu nồng đượm 
                         Cháu thương bà biết mấy nắng mưa! 
      Ba tiếng “một bếp lửa” được nhắc đi nhắc lại hai lần như một điệp khúc da diết ngay từ những dòng đầu tiên. Bếp lửa được nhóm lên mỗi buổi sáng sớm, rung rinh, mờ tỏ. Hình ảnh ấy gợi cái ấm áp giữa “chờn vờn sương sớm”, gợi cái thân thương với biết bao ấp iu nồng đượm. Để rồi từ đó, sức ấm và ánh sáng của hình ảnh bếp lửa lan tỏa khắp bài thơ, trở thành điểm tựa để mở ra chân trời đầy ắp kỉ niệm tuổi thơ và tình bà cháu, như một thước phim quay chậm, tất cả ùa về:
                         Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói 
                         Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi, 
                         Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy, 
                         Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu 
                         Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay! 
      Mùi khói cay nhèm của bếp rơm, bếp rạ đã đi vào kí ức BV từ những ngày còn thơ bé. Đó cũng lã một tuổi thơ cay cực, gắn liền với giai đoạn đau thương, khủng khiếp. Song cũng trong hoàn cảnh ấy, bếp lửa vẫn cháy sáng, vẫn ấm nòng, nồng đượm bởi tình bà. Cảm xúc hiện tại, kỉ niệm xưa hòa lẫn “nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay”. Là mùi khói làm cay nhèm mắt cháu hay tình bà ấm áp khiến cháu không kìm được nước mắt?
      Cháu đã sống trong lòng bà, được bà yêu thương, chăm sóc. “Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học”. Nhà nghèo, bố mẹ công tác xa không về nên đã “tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa”. Bếp lửa đã sưởi ấm tình thương, tình bà cháu. Và từ đó gọi lên biết bao kỉ niệm tuổi thơ – kỉ niệm gắn với tiếng chim tu hú trên đồng mỗi độ hè về.
      Không chỉ là hình ảnh bếp lửa bập bùng, ấm áp trong mỗi gia đình, bếp lửa còn là biểu tượng cho tình bà ấm áp. Bà nhóm bếp mỗi sớm mai là nhóm lên trong lòng cháu tình yêu thương niềm vui sưởi ấm, sự san sẻ tình làng nghĩa xóm, những tâm tình, ước vọng của tuổi thơ. Hay chính là nhóm lên trong lòng cháu những ước mơ cả về vật chất lẫn tinh thần. Không khó để nhận ra rằng bếp lửa được bà nhen lên không chỉ bằng nhiên liệu củi rơm mà còn được nhen lên từ ngọn lửa của lòng bà, ngọn lửa của sự sống truyền đời bất diệt. Bởi vậy, từ hình ảnh bếp lửa, bài thơ gợi đến hình ảnh ngọn lửa có ý nghĩa trừu tượng và khái quát:
                         Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen, 
                         Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn, 
                         Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng... 
      Trong bài thơ, luôn hiện diện cùng hình ảnh bếp lửa chính là hình ảnh người bà. Như vậy, bếp lửa là tình bà ấm áp, là tay bà nhen nhóm, bếp lửa gắn với những khó khăn, gian khổ đời bà. Chính vì thế nhà thơ đã cảm nhận được sự kì lạ, thiêng liêng từ ngọn lửa bình dị ấy: “Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa”
      Giờ đây đứa cháu đã đi xa nơi bếp lửa của bà, đã biết đến “ ngọn khói trăm tàu, ngọn lửa trăm nhà”. Nhưng cháu vẫn chẳng bao giờ quên ngọn khói đã làm nhèm mắt cháu, quên đi bếp lửa tình bà bởi đó là cội nguồn, cuộc đời cháu được nhen lên từ ngọn lửa ấy. Ngọn lửa của tình bà sẽ cháy sáng mãi trong lòng cháu để trở thành ngọn lửa của sự sống truyền đời, bất diệt.
      Bếp lửa của Bằng Việt với những tình cảm chân thành, xúc động đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn độc giả. Ngày nay, chúng ta đang sống với bếp lửa ga, bếp lửa điện hiện đại nhưng hình ảnh ngọn lửa trên vách tường, ngọn lửa ấm nóng của tình bà sẽ chẳng bao giờ phai nhạt trong tâm trí ta. Bởi những gì được viết từ tình cảm chân thành thì đều sẽ in sâu trong lòng bạn đọc, tạo nên những rung động ở tận đáy tâm hồn. Qua hình ảnh bếp lửa, tôi cũng nghĩ đến những điều thân thiết nhất đối với tôi, với bạn, với mọi người.

Tác giả bài viết: Lê Phan Thảo Vy - 8B

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập301
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm299
  • Hôm nay59,474
  • Tháng hiện tại1,556,727
  • Tổng lượt truy cập40,027,874
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây