Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 20/11/ 2024 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức tọa đàm và vinh danh Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Trâm.

Xem tiếp...

Quay đầu là bờ

Thứ tư - 31/07/2019 05:59
....Giờ thì nó biết mình mang đầy tội lỗi. Nó mệt mỏi vô cùng vì những gì nó đã gây ra. Đúng là gậy ông đập lưng ông. Người nghĩ ra những trò tinh quái là nó, người gánh chịu hậu quả cũng là nó. Úp mặt xuống bàn. Nó khóc. Rồi thiếp đi... (Tạp chí Hồng Lĩnh - 6/2013)

Tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi đã hết. Bây giờ đã là tiết thứ ba - tiết Ngữ văn - môn học mà nó ghét nhất trong tất cả các môn học ở trường. Không phải vì nó học không giỏi môn này mà nó ghét. Nó cũng đã từng nhiều lần tham gia thi học sinh giỏi môn Ngữ văn cơ mà. Cũng không phải vì không thích cô giáo – cô giáo dạy Ngữ văn của nó được nó và cả lớp phong là “Hoa khôi” của trường mà, cô dạy rất hấp dẫn nữa chứ. Nó ghét môn Ngữ văn là vì nó sợ gặp phải con người thật của nó khi học say sưa môn này. Nó sợ phải đối mặt với chính mình. Và nó biết cách mà nó muốn che đậy con người thật của nó là quậy phá trong các giờ học. Nó vẫn biết như thế là không phải, nhưng nó vẫn cứ phá phách các bạn trong lớp và cả các thầy cô giáo mà nó có thể phá được. Nó đang suy nghĩ mông lung như vậy bởi vì có một lỗi nhỏ mà sáng nay nó vừa vi phạm. Nó bắt đầu thấy ân hận. Nó nghĩ trưa nay đi học về nó sẽ đến gặp cô giáo chủ nhiệm và thầy giáo dạy môn Vật lý để xin lỗi.... Như thường ngày, nhóm bạn thân thiết của nó xúm xít lại chỗ nó:

      - Đại ca ơi, đến giờ Ngữ văn rồi kìa!

      - Đại ca ơi, bày trò gì đó chơi đi!

      Nó không thèm trả lời, mắt hướng ra ngoài cửa sổ với một vẻ trầm tư. Tụi bạn có vẻ bất ngờ. Tuy nhiên chúng vẫn chắc mẩm rằng sắp có trò hay để xem….

     10 phút đầu tiên trôi qua nhanh chóng. Nó vẫn không có động tĩnh gì cả. Đứa bạn ngồi bàn trên ngoảnh xuống với vẻ kinh ngạc:

      - Ủa, sao hôm nay ông ngoan quá vậy?

      Nó bực mình:

      - Kệ tôi, việc gì đến bà!

      Rồi nó tự lẩm bẩm trong miệng: “Bọn mày quên hết chuyện ở tiết Vật lý rồi sao?! Hay lại bày đặt trêu tức mình nữa không biết...”.

      Còn khoảng 15 phút nữa là hết giờ. Đột nhiên cô giáo chủ nhiêm bước vào lớp với vẻ khác thường :

      - Xin cô Yến cho cô giáo chủ nhiệm một phút. Cô thông báo: hết tiết này em Bách xuống gặp thầy hiệu trưởng nhé!

      Cái gì cơ, nó không nghe nhầm đấy chứ? Hết tiết này mình phải đi gặp thầy Hiệu trưởng ư? Nó chưa kịp định thần, cô giáo chủ nhiệm đã đi ra tự lúc nào. Nó bắt đầu nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Cái lỗi mà nó vi phạm sáng nay nó cứ nghĩ là nhỏ bây giờ không còn nhỏ nữa. Là thầy Hiệu trưởng đấy. Rồi cả trường sẽ biết. Các thầy cô giáo sẽ biết. Nhất là những đứa thường ngày vẫn ngoan, chăm học trong lớp. Bọn chúng từ trước tới nay vẫn mong một lần nó bị phạt nhưng nó đã nhiều lần may mắn thoát tội với nhiều lý do mà bản thân nó tự bào chữa cho mình trước cô giáo chủ nhiệm. Mỗi lần như thế bản thân nó vẫn biết không phải cô giáo chủ nhiệm không biết những lỗi mà nó mắc phải, mà cô vẫn đang dành cho nó một cơ hội. Cô luôn nói với nó những lúc chỉ còn hai cô trò nói chuyện với nhau: “Quay đầu là bờ em ạ!” Nó hiểu ý của cô là gì, nhưng những lần như thế nó cứ giả vờ như không hiểu gì cả. Bọn chúng sẽ vui mừng lắm. Ngoài ra, còn những đứa khác lớp, những anh chị khóa trên, những em khóa dưới... tất cả đều biết đến nó với một lỗi mà từ trước tới nay học sinh trường này chưa dám làm bao giờ cả. Họ sẽ nhìn mình với ánh mắt như thế nào đây? Chao ôi, thật là nhục nhã! Đáng đời mày chưa Bách ơi! Ai bảo mày thích tự làm nổi mình theo cách đó! Thật xứng đáng thôi mà! Những lời cô giáo dạy Ngữ văn đang giảng bình thường nó vẫn bình luận là “trong veo như tiếng suối” thế mà bây giờ nó chẳng nghe rõ một tiếng gì cả. Nó cứ lùng bùng và trôi đi tận đâu. Nó ngồi im không nhúc nhích, để lại cho lớp một khoảng lặng để học bài. Bình thường nó luôn mong mau chóng đến giờ ra chơi, nhưng bây giờ nó chỉ mong thời gian ngừng lại, tiết học này đừng kết thúc. Tiếng trống trường đừng bao giờ vang lên, để nó không phải tiến đến cái thời khắc ấy.

      Rồi cái giờ phút ấy cũng đến. Ba tiếng trống khô khan đã vang lên. Cô Yến nhìn nó với ánh mắt không định nghĩa hết - buồn, đầy những xót xa và có lẽ có cả sự an ủi. Nó rời khỏi chỗ ngồi bước từng bước nặng nề đi đến phòng thầy Hiệu trưởng. Bên tai nó vẫn văng vẳng lời của nhóm bạn:

      - Bách ơi,  cố lên nhé!

      Nó nghĩ thầm trong bụng: “Đã làm thì phải dám nhận lỗi trước mọi người chứ! Nhận lỗi xong, từ nay trở đi ta xin chừa sẽ không bao giờ nghịch nữa”. Nghĩ vậy thôi nhưng nó vẫn thấy sợ. Việc trốn tiết hôm nay của nó có lẽ là lần duy nhất trong lịch sử tồn tại suốt ngần ấy năm qua của trường.

      Hít một hơi thật sâu, nó bước vào phòng thầy Hiệu trưởng, chuẩn bị sẵn tâm lý cho một cuộc hỏi cung thật sự – cuộc hỏi cung mà chính nó tự tạo ra .

      Nhưng, trái với mọi suy nghĩ và phỏng đoán của nó, thầy từ tốn hỏi:

      - Em ngồi xuống đi. Em là Lê Tùng Bách học sinh lớp 8B đúng không?

      Nó cố gắng trả lời cho rõ tiếng:

      - Dạ vâng, thưa thầy em tên là Lê Tùng Bách, học sinh của lớp 8B ạ!

      - Sáng nay vào đầu giờ học môn Vật lý, em không ở trong lớp học bài mà đi đâu vậy?

      Như một cái máy, nó trả lời một cách thật thà:

 - Em đi phô tô bộ đề cương ạ!

 - Đề cương môn gì vậy? – Thầy nhíu mày, vẻ không hài lòng.

      Vẫn như một cái máy, nó trả lời liền:

 - Dạ, em đi phô tô bộ đề môn Toán ạ!

      Khuôn mặt quá quen thuộc của thầy Hiệu trưởng mà nó vẫn ngưỡng mộ say sưa mỗi giờ chào cờ đầu tuần bây giờ đã chyển sang một trạng thái khác. Nó rất lo sợ...

      - Đi phô tô bộ đề Toán trong giờ Lý sao? Em có biết rằng em làm như vậy sẽ làm tổn thương nhiều người không? Trước hết là em đã làm tổn thương danh dự của chính con người em rồi đấy. Em đến trường đâu phải chỉ học mỗi môn Toán. Thầy vẫn biết rằng môn Toán là môn “Vua”. Nhưng em phải học đều tất cả các môn còn lại. Ngoài ra em đến trường còn để học cách làm người nữa chứ. Ngoài bản thân mình ra em còn làm tôn thương đến những thầy cô giáo và các bạn bè xung quanh em nữa: thầy giáo dạy môn Vật lý, cô giáo chủ nhiệm của em và bao nhiêu người khác nữa....

      Tai nó ù đi. Nó không còn nghe hết được những gì thầy Hiệu trưởng nói với nó. Nước mắt bắt đầu trào ra. Nó biết nó không chỉ làm tổn thương mọi người mà nó yêu quý...



Tiếng trống lại vang lên báo hiệu đã vào tiết thứ tư. Nó đã rời khỏi phòng thầy Hiệu trưởng, nhưng nó chưa muốn về lớp. Nó biết nhóm bạn của nó cũng đang trông chờ lắm. Nó ngồi ở ghế đá sân trường thêm một chút nữa. Một chút thôi để lấy lại tâm thế cho giờ học tiếp theo. Nó tự hứa từ nay trở đi sẽ học bài với tâm thế hăng say phát biểu. Để không làm phiền lòng thêm một ai nữa. Nó suy nghĩ về những điều mà thầy Hiệu trưởng nói với nó, nó thấy những điều thầy nói cũng giống như những lời cô giáo chủ nhiệm thường nói, vậy mà sao bây giờ nó thấy lòng trĩu nặng. Điều làm nó day dứt hơn cả là câu mà thầy nói trước khi nó về lớp:

      - Em hãy nhìn lại mình đi, hãy sống đúng với con người thật của mình em nhé! Thầy cho em hai tuần để suy nghĩ và sửa đổi.

      Nó trở lại lớp học. Cả lớp bây giờ đang học Thể dục ở dưới sân. Chỉ còn một mình nó trong lớp. Nó đã không dám nói thật với thầy Hiệu trưởng sự thật là không phải nó ghét học môn Vật Lý rồi xin phép thầy ra ngoài để đi chơi đâu, mà vì nó thấy thầy dạy Vật lý quá hiền nên nó định bày trò trêu thầy thôi. Nhưng nó lại tiếp tục phán xét mình. Sao lại đổ lỗi cho thầy được? Không nhận lỗi do mình gây ra mà lại còn đi đổ lỗi cho người khác thì thật hèn. Và nó biết nó đã làm tổn thương rất nhiều người, không chỉ có nó, mà còn cô chủ nhiệm, còn thầy dạy Vật lý... Giờ thì nó biết mình mang đầy tội lỗi. Nó mệt mỏi vô cùng vì những gì nó đã gây ra. Đúng là gậy ông đập lưng ông. Người nghĩ ra những trò tinh quái là nó, người gánh chịu hậu quả cũng là nó. Úp mặt xuống bàn. Nó khóc. Rồi thiếp đi...

      Nó giật mình tỉnh dậy khi nghe hồi trống giục. Đã nghe những bước chân vang vọng xa xa của tụi bạn đang chạy về lớp. Kéo múi khăn quàng đỏ lên thấm những giọt nước mắt, nó ngồi nghiêm trang lại, khoanh tay trên mặt bàn, mắt hướng về phía bục giảng...

Tác giả bài viết: Hoàng Thị Ngọc Thúy - 9B

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập389
  • Hôm nay80,322
  • Tháng hiện tại1,493,193
  • Tổng lượt truy cập39,964,340
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây