20/10 – nói về những bông hồng trong nhạc Trịnh

Thứ hai - 22/07/2019 09:02
Ngày 20/10/2014, BCH Công đoàn trường tổ chức buổi gặp mặt nhân 84 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam. Gặp mặt/ tọa đàm là hoạt động có ý nghĩa thiết thực của THCS Hoàng Xuân Hãn nhân các ngày lễ lớn trong những năm qua.
Mở đầu chương trình, cô giáo Phạm Thị Hải Sâm – tổ trưởng Tổ nữ công – trình bày khái quát những nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam từ thời Bà Trưng – Bà Triệu đến nay. Người phụ nữ Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế trong đời sống đương đại. Chị em phụ nữ trường THCS Hoàng Xuân Hãn suốt những năm qua cũng có những đóng góp đầy ý nghĩa cho những thành công trong các hoạt động giáo dục của nhà trường.
 

Trường và Công đoàn thay mặt anh em tặng hoa chúc mừng chị em
 
      Hằng năm, đến dịp 20/10, tất cả chúng ta lại cùng nhìn về những người phụ nữ thân thương, nửa thế giới mà nữ sĩ Xuân Quỳnh từng viết vui “Nếu ví dụ không có chúng tôi đây/ Liệu cuộc sống có còn là cuộc sống”. Đúng vậy, không có phụ nữ thì cuộc sống không còn là cuộc sống; không có phụ nữ cũng sẽ không có văn chương, không có âm nhạc,... Và, cũng vì lẽ đó, người phụ nữ là đề tài bất tận của nhạc họa thi ca.
      20/10 năm nay, thầy Dương Thế Vinh dẫn chương trình gặp mặt với chủ đề “Những bông hồng trong ca khúc Trịnh Công Sơn”. Sở dĩ Ban tổ chức chọn nói về nhạc Trịnh Công Sơn trong dịp này bởi nhạc sĩ thiên tài của chúng ta từng học Sư phạm (ở Quy Nhơn) và có 4 năm đứng trên bục giảng (ở Lâm Đồng), là người có gia tài ca khúc đồ sộ và được thế giới mến mộ, tôn vinh. Nhạc Trịnh có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống xã hội, góp phần làm giàu cho đời sống tinh thần của những ai đã từng nghe và yêu mến dòng nhạc này. 20/10, nói về những bông hồng trong ca khúc Trịnh Công Sơn cũng là dịp để người yêu nhạc tri ân những người phụ nữ từng góp phần làm nên những ca khúc của Trịnh. Những người phụ nữ ấy đã làm đẹp cho ca khúc của Trịnh và làm đẹp cho biết bao cuộc tình khác.     
      Mối tình đầu tiên: Ngô Vũ Bích Diễm. "Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Trường Đại học Văn khoa ở Huế. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng, ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhạt nhòa trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt...", đó là những hồi ức của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về Diễm. Hóa thân vào ca khúc “Diễm xưa”, Diễm đã trở thành hình tượng điển hình mang màu sắc huyền thoại cho những mối tình đầu.
      MC Dương Thế Vinh đã mời cô giáo Phan Thị Hoài Hạ hát lên ca khúc Diễm xưa, làm sống dậy mối tình đầu đơn phương trong trẻo nhưng gợi lên không ít day dứt phận người.

 
Cô Phan Thị Hoài Hạ với Diễm xưa
      Người phụ nữ thứ hai được nhắc đến chính là Dao Ánh. Dao Ánh là người đã cho Trịnh có được “bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu” cùng “những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được”. Còn tuổi nào cho em, Mưa hồng, Tuổi đá buồn,... và Xin trả nợ người là những tình khúc nổi tiếng thăng hoa từ mối tình giữa Trịnh với “Người yêu lạ lùng nhất” của mình.
      Nhiều người thừa nhận ca từ của Trịnh rất ma mị, rất huyền diệu. Trong những chuỗi ca từ đầy chất thơ, đây đó – thật thú vị (!), người ta nhận thấy tên của những bóng hồng từng đi qua đời người nhạc sĩ tài hoa ấy. Nguyệt trong Nguyệt ca, Khê trong Biển nhớ,... và Thu trong Nhìn những mùa thu đi. Vẻ đẹp của những người phụ nữ, nhiều khi chỉ thoáng qua đời ta thôi, bỗng biến khoảnh khắc ấy thành bất tử. Phẩm chất thiên tài của Trịnh Công Sơn có lẽ còn thể hiện ở khả năng lưu dấu lại những khoảnh khắc tưởng rất mong manh như thế trong đời cuộc mình. Bài hát Nhìn những mùa thu đi với xúc cảm đượm buồn, trong trẻo do thầy giáo Nguyễn Thanh Truyền thể hiện đưa người nghe về với nét tài hoa ấy của Trịnh.

Thầy Nguyễn Thanh Truyền với Nhìn những mùa thu đi

 
      Nhắc đến những bông hồng trong nhạc Trịnh không thể không nhớ đến ca sĩ Khánh Ly. Dường như số phận đã sắp đặt để họ là của nhau trong âm nhạc. Hát nhạc Trịnh để rồi đưa người nghe phiêu diêu trọn vẹn trong cõi huyền hoặc đê mê của tâm hồn Trịnh, chỉ có thể là chất giọng Khánh Ly. Nói về Khánh Ly, Trịnh chân thành thổ lộ: “Tôi và Khánh Ly chỉ là hai người bạn. Thương nhau vô cùng, trên tình bạn”. Và Khánh Ly nói vào đúng ngày Trịnh Công Sơn nằm xuống: “Tôi đã chết nửa cuộc đời theo Trịnh Công Sơn!”. Sự hòa hợp đến kỳ lạ của hai tâm hồn nghệ sĩ này đã thăng hoa thành rất nhiều nhạc phẩm và cũng đã khiến những ca khúc của Trịnh Công Sơn trở thành một dòng nhạc độc đáo: nhạc Trịnh. Thầy giáo Dương Thế Vinh đã kể lại rất nhiều những chi tiết thú vị, rất thơ của mối kỳ duyên này. 
 
      Hình tượng người phụ nữ trong nhạc Trịnh thường hiện lên với vẻ đẹp trong trẻo, thánh thiện dù đằng sau những ca từ kia có là dòng suy tư đầy u uẩn của người nhạc sĩ tài hoa. Diễm của Trịnh ngày xưa cũng như Bống của Trịnh những ngày mãi sau đều như vậy. Hóa thân thành hình tượng Bống trong âm nhạc Trịnh Công Sơn chính là ca sĩ Hồng Nhung. Hồng Nhung cũng là một mối giao tình đặc biệt, hóa thân vào rất nhiều ca khúc tạo thành một dòng suối êm đềm trong trẻo khi hồn Trịnh đã trải qua biết mấy thác ghềnh. Lời Trịnh nói về Hồng Nhung nhẹ lắm mà nghe trĩu nặng trong hồn: “Hồng Nhung là một người quá gần gũi không biết gọi là ai”! Nói được thế, phải là người đang cảm thấy những cảm giác của hạnh phúc ở đời thật rõ! Còn Bống, Bống chỉ thổ lộ:“Ở giữa hai chúng tôi chắc chắn là có một tình yêu, nhưng tình yêu đó như thế nào thì tôi giữ riêng cho mình”. Thế nào ư? Hãy nghe chất giọng Hồng Nhung trong bài Thuở Bống là người thì cảm được. Thầy Dương Thế Vinh nhấn mạnh: Ca khúc ấy cô Hải Sâm từng hát rất hay, nhưng trong chương trình này, chỉ xin gợi nhắc để anh chị em có dịp nhớ tới Hồng Nhung... 
      Có một bông hoa trong đời Trịnh nữa, nhiều người đồn đoán là tình cuối, đó là Hoàng Anh – một nhân viên ngân hàng nhưng rất biết yêu thi ca nhạc họa. Thầy Dương Thế Vinh kể nhiều chi tiết thú vị quanh mối quan hệ này... Cũng là một tình yêu rất Trịnh!
 
 
Thầy Đinh Sỹ Sơn với Huyền thoại mẹ
 
      Khép lại chủ đề, MC Dương Thế Vinh nói về hình tượng người mẹ của Trịnh và người mẹ trong nhạc Trịnh. Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến bông hồng của những bông hồng này. “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”, Trịnh từng viết thế. Người mẹ, luôn là biểu tượng của đùm bọc, chở che, yêu thương vô bờ; người mẹ trong nhạc Trịnh cũng là những biểu tượng thiêng liêng, đẹp như huyền thoại. Thầy giáo Đinh Sỹ Sơn kết thúc chương trình với bài hát “Huyền thoại mẹ” của Trịnh, tri ân Mẹ Việt Nam bình dị, thân thương mà lớn lao, kì vĩ.!

Tác giả bài viết: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập136
  • Hôm nay43,757
  • Tháng hiện tại179,835
  • Tổng lượt truy cập29,881,123
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây