Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Quân đội Nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, quân đội của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện.

Xem tiếp...

Cùng thầy Ngọc Hùng dự Hội thảo Toán tuổi thơ tại Đà Nẵng

Thứ hai - 22/07/2019 09:06
Nhận được giấy mời của tờ Tạp chí rất thân thiết với thầy và trò THCS Hoàng Xuân Hãn, đoàn chúng tôi sắp xếp công việc, chuẩn bị ngay kế hoạch cùng thầy Ngọc Hùng tham dự Hội thảo.
Ngày 16/12/2014, Tạp chí Toán tuổi thơ (NXB GDVN) tổ chức Hội thảo cộng tác viên toàn khu vực miền Trung. Nhận được giấy mời của tờ Tạp chí rất thân thiết với thầy và trò THCS Hoàng Xuân Hãn, đoàn chúng tôi sắp xếp công việc, chuẩn bị ngay kế hoạch cùng thầy Ngọc Hùng tham dự Hội thảo. Nhân dịp này, chúng tôi thiết kế hành trình đi qua tham quan cố đô Huế, phố cổ Hội An và một số danh thắng ở Đà Nẵng. 

Huế, ngày 14 và sáng 15/12...
 
      Sáng sớm ngày 14, chúng tôi có mặt ở cố đô Huế. Huế vừa qua đợt mưa đông dầm dề, mở lòng đón chúng tôi bằng tiết trời hanh hanh se lạnh với nét trầm mặc đặc trưng của xứ sở đẹp và thơ. Đến đất cố đô, mọi bước chân đều dẫn đến lăng tẩm đền đài, sông Hương núi Ngự. Từ thành Huế đi về phía Tây Nam 10km, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là lăng Khải Định (Ứng Lăng) trên triền núi Châu Chữ. Về mặt kiến trúc, Ứng Lăng là công trình được đặt ra ngoài dòng kiến trúc thời nhà Nguyễn bởi sự pha trộn kiến trúc Đông và Tây. Thăm Ứng Lăng, du khách gặp lại những dấu tích của văn hóa Việt Nam buổi giao thời còn hiện hữu.
 
      Đến lăng Tự Đức (Khiêm Lăng), một không gian văn hóa khác mở ra. Bức tranh phong cảnh thơ mộng của Khiêm Lăng thể hiện rõ nét tâm hồn lãng mạn của vị vua nổi tiếng yêu văn chương này.
 

Trước Đại Nội 

 
      Từ lăng Tự Đức, chúng tôi ghé thăm chùa Linh Mụ rồi về tham quan Đại Nội. Các hạng mục thuộc quần thể di tích cố đô Huế đang trong giai đoạn trùng tu, tôn tạo. Hoàng cung xưa, trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, còn nguyên dấu tích những triều vua... Giá trị văn hóa lịch sử của những công trình này là vô hạn.

      Chiều ngày 14/12, chúng tôi đến thăm ngôi nhà thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống những năm 1895-1901, tại 112 Mai Thúc Loan.
 

Bên sông Hương


Quán Hồng Cơ, đường Trịnh Công Sơn

 
       Huế là mảnh đất của văn nghệ sĩ, thấm đẫm tình yêu văn hóa nghệ thuật. Thời gian ở Huế dù ngắn ngủi, chúng tôi cố gắng sắp xếp gặp gỡ bạn bè. Nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng hẹn chúng tôi ở quán Hồng Cơ, cuối đường Trịnh Công Sơn, ngay bên bờ sông Hương. Tại đây, chúng tôi đã gặp gỡ và giao lưu với những người bạn xứ Huế, xứ Quảng thú vị. Vợ chồng chủ quán cũng là những người giàu chất nghệ sĩ (họ cũng là những người đồng hương của Trịnh), chồng đệm ghi-ta cho vợ hát nhạc Trịnh, và ngâm thơ... Ở đây ngân lên giai điệu bài hát Ngày xưa Hoàng Thị trong tiếng ghita bập bùng, ngân lên âm điệu thiết tha bài thơ Quê hương nổi tiếng của Giang Nam,... Không gian quán nhỏ trở thành không gian của thơ và nhạc, của tình bạn hữu, tình thầy trò...
 
Đà Nẵng, ngày 16 và ngày 17/12...
 
      Chiều tối 15/12, chúng tôi có mặt ở Đà Nẵng. Đến Đà Nẵng những năm gần đây, rất nhiều người gọi đây là Thành phố của những cây cầu. Gió sông Hàn lồng lộng, những cây cầu về đêm khoe vẻ đẹp lộng lẫy của riêng mình...
 
Bên sông Hàn cùng học trò cũ của trường 


Bên cầu Rồng


      Sáng 16/12, sau khi thưởng thức món mì Quảng, 8h15’ chúng tôi đến địa điểm tổ chức Hội thảo. Ban tổ chức đón tiếp cán bộ giáo viên trường THCS Hoàng Xuân Hãn – Hà Tĩnh rất trọng thị, bởi hầu như số Tạp chí nào cũng có sự xuất hiện của tên trường THCS Hoàng Xuân Hãn gắn với những học sinh tích cực tham gia giải bài. Khách mời tham gia Hội thảo đến từ khắp các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên, từ Nghệ An đến Đắc Lắc, Bình Định.
      Tại diễn đàn này, sau những phát biểu của lãnh đạo NXB GDVN, nhiều ý kiến của lãnh đạo các Sở GD, phòng GD và giáo viên Toán tiêu biểu được đưa ra bàn thảo. Hầu hết các ý kiến đều khẳng định ảnh hưởng của Tạp chí đối với phong trào dạy và học trên cả nước. Khu vực miền Trung còn lắm gian lao, còn nghèo khó nhưng là dải đất giàu tiềm năng sáng tạo; phong trào đọc và cộng tác với tạp chí Toán tuổi thơ chưa mạnh như các vùng trung tâm phía Bắc và phía Nam nhưng cũng có nhiều điểm sáng; rất nhiều học sinh giỏi Quốc gia và Quốc tế trưởng thành nhờ sự dìu dắt của những người thầy đam mê và gắn bó với Toán tuổi thơ, Toán học và Tuổi trẻ.


Đại biểu cùng Ban tổ chức

 
      Tham dự với tư cách là quan sát viên, nhưng những giáo viên Ngữ văn chúng tôi nhận ra rất nhiều điều thú vị từ Hội thảo. Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, ThS. Thân Phương Thu cũng có mặt và giới thiệu về Tạp chí của mình. Nhiều giáo viên Toán tham gia Hội thảo đã ngồi đọc say mê những trang văn của Văn tuổi thơ và Văn học Tuổi trẻ. Nhiều giáo viên Toán phát biểu rất hay, đầy chất Văn. Một giáo viên THCS nói rằng “Cảm ơn Toán tuổi thơ đã tạo ra một mảnh đất chuyên môn màu mỡ để những giáo viên Toán yêu nghề như chúng tôi có thể thỏa sức cày bừa, gieo trồng, để rồi có được những vụ mùa bội thu trong dạy học. Tôi, cũng như những thế hệ học trò của tôi, rất biết ơn sự có mặt của Toán tuổi thơ trong tủ sách của mình!”. Đó là những bộc bạch chân thành và giàu hình ảnh! (Cũng thầy dạy Toán ấy, ở phần giao lưu sau Hội thảo, còn hát lên những ca khúc do chính thầy sáng tác!). Một giáo viên khác, đến từ một trường THCS ở Đắc Lắc sau khi phát biểu ý kiến còn đọc luôn một bài thơ dài có tên là Tình toán. Có lẽ, vì Toán học là Nữ hoàng của các khoa học nên những người giỏi Toán chẳng thể nào là những tâm hồn cằn khô!?!
      Chúng tôi rất tâm đắc ý kiến của Tổng biên tập Toán tuổi thơ ThS. Vũ Kim Thủy khi thầy trả lời một số ý kiến cho rằng Toán tuổi thơ 1 nên giảm độ khó để lôi cuốn nhiều học sinh tham gia hơn. Thầy Thủy nói Toán tuổi thơ không chủ trương giảm độ khó; thầy cho rằng sở dĩ các nước phát triển của khu vực châu Á theo kịp được châu Âu nói chung là nhờ một yếu tố rất quan trọng: chương trình giáo dục của các nước châu Á này có độ khó cao hơn so với châu Âu. Quan điểm “học mà chơi, chơi mà học”, theo thầy, chỉ nên áp dụng ở châu Âu, ở những quốc gia đã thực sự phát triển; còn chúng ta, nếu cứ áp dụng quan điểm giáo dục này, sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu. Có thể còn nhiều điều phải bàn, nhưng ý kiến trên rất đáng để những người làm giáo dục suy nghĩ...
      Khép lại Hội thảo Toán tuổi thơ là phần giao lưu ấn tượng với đoàn cán bộ giáo viên đến từ Hà Tĩnh cũng như với cán bộ giáo viên từ các tỉnh miền Trung, với cán bộ nhân viên của Tạp chí.


Hà Tĩnh với Toán tuổi thơ
 
      Chiều tối ngày 16/12, chúng tôi đi về phía Nam, cách trung tâm Đà Nẵng gần 30km, tham quan phố cổ Hội An. Hội An buổi hoàng hôn và về đêm lung linh sắc màu, tô điểm cho vẻ cổ kính của những công trình kiến trúc độc đáo từ thế kỉ XVIII-XIX. Dạo phố cổ, thưởng thức món cao lầu – dấu ấn của văn hóa ẩm thực Hội An, ngồi bên bờ sông Hoài lộng gió,... là những trải nghiệm rất thú vị.
 

Bên chùa Cầu


Cao lầu bên sông Hoài và phố cổ

      Biển Đà Nẵng những ngày này trở gió, đã bắt đầu có những đợt mưa khá nặng hạt. Nhưng đến Đà Nẵng, khó có thể cưỡng nỗi ý muốn đi thăm thú Bà Nà, nơi vẫn được quảng cáo với mật độ dày đặc trên truyền thông rằng “Đường lên tiên cảnh”. Chúng tôi sắp xếp lên tiên cảnh vào sáng ngày 17. Thay cho những bồng bềnh mây trắng của ngày đẹp trời là mưa bay, ngồi trong cabin cáp treo nhìn ra chỉ thấy mưa mù. Dịp chúng tôi đến Bà Nà, dù thời tiết không thuận lợi nhưng khách vẫn rất đông, và chủ yếu là du khách nước ngoài. Lên đỉnh Bà Nà, đi tàu hỏa leo núi, tham quan hầm rượu, thưởng thức ly vang đỏ, ngắm vườn hoa trong giai điệu những bản tình ca Pháp lãng mạn... Đến với chùa Linh Ứng, thắp hương lễ Phật... Từ đỉnh Bà Nà, nhìn ra bốn phía mây mù, mưa bay; chỉ ước một lần trở lại đây, nhìn ngắm cảnh ấy, nghe những giai điệu ấy,... trong một ngày đẹp trời! Chợt nghĩ, có lẽ đứng chân trên Bà Nà và tưởng tượng thế là đủ, bởi cảnh tiên cũng chỉ là cảnh từ hồn người tưởng tượng mà nên đó thôi!
 

Chuẩn bị lên ...tiên cảnh Bà Nà

 
      Tạm biệt Đà Nẵng, chúng tôi cùng thầy Nguyễn Ngọc Hùng mang về THCS Hoàng Xuân Hãn những dư âm của Hội thảo Toán tuổi thơ. Tin rằng, sau những chuyến đi đầy ý nghĩa như thế này, ngọn lửa đam mê chuyên môn tiếp tục cháy lên và ngày cảng lan tỏa...!

Tác giả bài viết: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập287
  • Hôm nay97,509
  • Tháng hiện tại1,533,487
  • Tổng lượt truy cập42,105,560
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây