Tiết chào cờ đầu tuần thứ 7 năm học 2018-2019
Thứ năm - 01/08/2019 19:47
Kỷ niệm 50 năm Ngày Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành Giáo dục (15/10/1968 – 15/10/2018). Sáng thứ hai, ngày 15/10/2018, toàn thể CBGV - HS trong toàn trường đã tham dự “Lễ chào cờ” lần thứ 7 trong năm học 2018 – 2019
Sau các nghi lễ chào cờ, thầy giáo Nguyễn Thanh Truyền – Phó Hiệu trưởng nhà trường, nói về những ý nghĩa sâu sắc từ bức thư cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho ngành Giáo dục. Bức thư được Bác viết vào đúng ngày này, cách đây 50 năm (15/10/1968 – 15/10/2018) và đăng trên báo Nhân dân ngày 16/10/1968. Trong hoàn cảnh đất nước rất khó khăn, hai miền Nam – Bắc đều hứng chịu những trận bom kinh hoàng của đế quốc Mỹ, Bác Hồ bày tỏ niềm vui và khen ngợi khi phong trào giáo dục trên cả nước vẫn phát triển nhanh và mạnh “Các trường đã có nhiều cố gắng trong việc thi đua dạy tốt và học tốt, bảo đảm an toàn cho thầy và trò, làm cho đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tiến bộ”; nhờ thế, ta đã thắng Mỹ không chỉ trên mặt trận chính trị, quân sự mà cả “trên mặt trận giáo dục và đào tạo cán bộ”. Bác cũng nêu rõ tình hình “đế quốc Mỹ còn ngoan cố. Cách mạng nước ta còn phải khắc phục nhiều khó khǎn gian khổ để đạt thắng lợi hoàn toàn”, nên Bác căn dặn “Dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”. Lời dạy ấy đã hướng vào những hoạt động trọng tâm nhất, là bản chất, là sứ mệnh của ngành Giáo dục: hoạt động dạy và hoạt động học. Thi đua dạy tốt và học tốt là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Nửa thế kỉ qua và cả chặng đường sắp tới, lời dạy ân cần của Bác còn nguyên giá trị. Đó là biểu hiện sinh động của tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục.
Nói về tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, thầy Nguyễn Thanh Truyền nhắc đến một số bài thơ nổi bật của Bác trong tập thơ “Nhật ký trong tù”. Ở đó, quan điểm về giáo dục và tự giáo dục được thể hiện rất rõ. Bài thơ “Tự khuyên mình”, từ quy luật của thiên nhiên “Ví không có cảnh đông tàn/ Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân”, Người liên hệ đến chuyện của bản thân mình “Nghĩ mình trong bước gian truân/ Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng”. Trong cảnh ngục tù, nghe những âm thanh của ngoại cảnh vọng vào, “Nghe tiếng giã gạo” Người ngẫm về chuyện khổ luyện của mỗi người để có được thành công: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công”. “Nửa đêm” tỉnh giấc, nhìn cảnh bạn tù ngủ, Người ngẫm về vai trò của giáo dục đối với việc hình thành nhân cách con người: “Ngủ thì ai cũng như lương thiện,/ Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền./ Hiền dữ phải đâu là tính sẵn,/ Phần nhiều do giáo dục mà nên.”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, về việc học, về việc tự rèn luyện bản thân mỗi người thực sự là những giá trị, “để ánh sáng cho đời” (trích thơ Phạm Tiến Duật)
Thầy giáo Nguyễn Thanh Truyền
Tiếp theo chương trình thầy giáo Nguyễn Thanh Tùng – Phó Hiệu trưởng nhà trường đã tổng kết “Hội khỏe Phù Đổng” cấp trường, trao giải và lựa chọn những vận động viên xuất sắc tham gia thi đấu giải Điền kinh cấp huyện và Hội thi chung kết các môn thể thao cấp huyện đạt kết quả cao.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Tùng
Trao giải ba
Trao giải ba
Trao giải nhất
Có ai đó nói rằng “Người phụ nữ là một nửa thế giới”. Và quả thật, họ đã đi vào những trang viết chảy suốt trong văn học từ trước đến nay, để rồi không phải làm nên một nửa, mà là trọn vẹ tấm hình trong sâu thẳm tâm hồn thế hệ người đọc hôm nay và cả mai sau: “Chị em tôi tỏa nắng vàng lịch sử. Nắng cho đời nên cũng nắng cho thơ”. Bài hùng biện về “Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam qua các tác phẩm văn học trong chương trình THCS” của em Nguyễn Thị Việt Trà – 9B đã chạm đến cảm xúc của tất cả các thầy cô giáo và các em học sinh giữa sân trường.
Kết thúc chương trình là các tiết mục văn nghệ chào mừng 88 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2018) và 8 năm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/2010 – 20/10/2018) do tập thể học sinh lớp 6C thể hiện.
Ca khúc "Mẹ yêu"
Ca khúc "Thương lắm thầy cô ơi"