Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 20/11/ 2024 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức tọa đàm và vinh danh Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Trâm.

Xem tiếp...

Vẻ đẹp thiên nhiên mùa xuân trong bài "Mùa xuân nho nhỏ"

Thứ tư - 31/07/2019 22:57
... Thiên nhiên, nhất là mùa xuân vốn luôn hào phóng, sẵn sàng cống hiến cho con người mọi vẻ đẹp nếu con người biết mở rộng tấm lòng ...
Mùa xuân luôn là một đề tài quen thuộc được các thi sĩ lựa chọn để thể hiện vào trong tác phẩm của mình. Vậy hãy thử ngẫm lại và trả lời: Đã có bao giờ bạn bị đắm chìm trước những vần thơ xuân hay chưa? Nếu có thì vì lí do gì? - Vì bạn yêu mùa xuân, hay là vì bạn thấy đồng cảm với những cảm xúc mà người nghệ sĩ đã gửi gắm vào trong những vần thơ ấy…Để biết được câu trả lời đich thực, hãy cùng tôi trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên mùa xuân ở khổ thơ đầu tiên trong bài thơ" Mùa xuân nho nhỏ" của Thanh Hải … Chỉ mất vài phút thôi và tôi hi vọng các bạn sẽ thích nó…
                          Mọc giữa dòng sông xanh
                          Một bông hoa tím biếc
                          Ơi con chim chiền chiện
                          Hót chi mà vang trời
                          Từng giọt long lanh rơi
                          Tôi đưa tay tôi hứng
      Muốn cảm nhận được " cái hồn" trong khổ thơ này thì đầu tiên chúng ta nên tìm hiểu về hoàn cảnh ra đời của cả bài thơ!- Bài thơ được ra đời trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Bạn biết tại sao nó đặc biệt không? Nó đặc biệt là bởi vì nó được ra đời vào mùa đông ( chính xác là vào tháng 11 năm 1980). Và đó cũng là thời điểm àm Thanh Hải đang nằm trên giường bệnh, đang cố gắng " bám trụ" để có thể sống tiếp, để có thể được tồn tại trong cuộc đời dù chỉ thêm một ngày. Thế nhưng, một tháng sau đó… ông ra đi mãi mãi… Bạn có nghĩ rằng, nếu là bạn thì bài thơ kia sẽ chỉ là bài thơ đầy bóng tối , hiện rõ sự tuyệt vọng. Nhưng với Thanh Hải thì khác, " Mùa xuân nho nhỏ" đã toát lên một khí thế mà rất khó để miêu tả, rất khó để nói nói thành lời. Nếu tò mò thì bạn nên tìm đọc cả bài. Tôi chỉ xin nói khái quát: bài thơ bắt nguồn từ những rung động trước vẻ đẹp của mùa xuân, tác giả suy nghĩ và tự hào về mùa xuân đất nước, cuối cùng bày tỏ những khao khát, bộc lộ nỗi lòng,mong ước của bản thân đối với cuộc đời.
      Vẻ đẹp mùa xuân thiên nhiên đã được Thanh Hải cảm nhận qua những hình ảnh bình dị, tự nhiên.
                          Mọc giữa dòng sông xanh
                          Một bông hoa tím biếc
      Ngay hai câu mở đầu, ta đã bắt gặp một cách viết khác lạ. Không biết như bình thường " Một bông hoa tím biếc mọc giữ dòng sông xanh" mà lại đảo lại: :" Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc". Động từ "mọc" được đảo lên đầu câu là một dụng ý nghệ thuật của tác giả nhằm khắc sâu ấn tượng trỗi dậy và vươn lên của mùa xuân. Tưởng như bông hoa tím biếc kia đang từ từ, xòe nở trên mặt nước xanh của dòng sông xuân. Đồng thời, qua hai câu thơ trên, Thanh Hải đã vẽ lên bức tranh với  sự hài hòa giữa màu xanh của nước và màu tím biếc của bông hoa tạo nên một nét chấm phá nhẹ nhàng mà sống động, đem lại một vẻ đẹp tự nhiên, hài hòa, một màu sắc đặc trưng của xứ Huế…
      Thế nhưng, bức tranh không chỉ có họa mà còn có nhạc bởi tiếng chim chiền chiện cất lên với muôn vàn lời ca tiếng hót, reo mừng: " Ơi con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời." Nhà thơ bỗng bật lên tiếng " Ơi" đầy tha thiết. Đó như là một tiếng gọi không phải được phát ra từ miệng mà tự sâu thẳm tình yêu thiên nhiên, cất lên từ tấm lòng của nhà thơ trước vẻ đẹp của mùa xuân với những âm thanh rộn ràng. Từ đó, cảm xúc của nhà thơ đã trào dâng thực sự qua câu hỏi tu từ " Hót chi mà vang trời". Tiếng chim hót vang xa làm sống dậy, vực dậy cả một tâm hồn đang phải đối mặt với những bóng đen của bệnh tật, của lưỡi hái tử thần… Quả thật, bức tranh mùa xuân xứ Huế bao giờ cũng đẹp, nhẹ nhàng và mơ mộng như thế!
      Thiên nhiên, nhất là mùa xuân vốn luôn hào phóng, sẵn sàng cống hiến cho  con người mọi vẻ đẹp nếu con người biết mở rộng tấm lòng. Thanh Hải đã thực sự đón nhận mùa xuân với tất cả sự tài hoa của ngòi bút, sự thăng hoa của tâm hồn. Nhà thơ lặng ngắm, lặng nghe bằng cả trái tim xao động, bằng trí tưởng tượng, liên tưởng độc đáo:
                          Từng giọt long lanh rơi
                          Tôi đưa tay tôi hứng
      Hình ảnh "giọt long lanh' gợi lên những liên tưởng phong phú và đầy thi vị. Nó có thể là giọt sương lấp lánh qua kẽ lá trong buổi sớm mùa xuân tươi đẹp, có thể là giọt nắng rọi bên thềm, có thể là giọt mưa xuân đang rơi. Nhưng theo mạch cảm xúc của nhà thơ thì có lẽ đây là giọt âm thanh của tiếng chim vang ngân, đọng lại thành giọt niềm vui, từng giọt hứng thú, rơi xuống cõi lòng rộng mở của thi sĩ, thấm vào tình xuân. Thanh Hải đã rất tinh tế khi sử dụng phép tu từ chuyển đổi cảm giác cảm nhận vẻ đẹp của mùa xuân bằng nhiều giác quan: thị giác, thính giác và cả xúc giác. Cử chỉ " tôi đưa tay tôi hứng" thể hiện sự nâng niu, trân trọng của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đát trời, với mùa xuân tươi mới bằng những cảm xúc say sưa, xốn xang, rạo rực. Nhà thơ như muốn ôm trọn vào lòng tất cả sức sống của mùa xuân cuộc đời
      Như vậy, chỉ với 6 câu thơ đầu tiên, Thanh Hải đã gợi lên cho người đọc một bức tranh xứ Huế tuyệt đẹp: có hình ảnh, có màu sắc, có âm thanh được khắc họa từ những vần thơ có nhạc… Đặt bài thơ trong hoàn cảnh ra đời- tháng 11 năm 1980 (thời điểm mùa đông giá rét). Vậy là hình ảnh mùa xuân được vẽ lên từ tâm tưởng của nhà thơ. Đói mặt với bệnh tật, thậm chí với cái chết, vậy mà nhà thơ vẫn hướng đến màu xuân tươi trẻ, tràn đầy sức sống, thể hiện một tâm hồn lại quan, yêu đời, một niềm khao khát cuộc sống vô bờ.
      Đọc xong khổ thơ này, rồi đến hết cả bài thơ, tôi bất chợt nhận ra rằng, đời người ngắn ngủi lắm! Vì thế khi đang được sông, thì con người nên sống có ích, sống có ý nghĩa dâng hiến cho cuộc đời… Bên cạnh đó, chúng ta phải biết cách dành một khoảng thời gian cho bản thân để cảm nhận những vẻ đẹp mà cuộc sống đã ban tặng…

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thái Hiền - 9B

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập283
  • Hôm nay70,416
  • Tháng hiện tại1,567,669
  • Tổng lượt truy cập40,038,816
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây