Giới thiệu cuốn sách “Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ...”

Giới thiệu cuốn sách “Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ...”

BBT website giới thiệu cùng bạn đọc, bài giới thiệu cuốn sách “Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh lịch sử cùng dân tộc” do em Trần Thị Phương Nhiên lớp 6C trình bày.

Xem tiếp...

Người về để lại muôn người nhớ!

Thứ tư - 31/07/2019 05:35
Hôm nay trường và Công đoàn trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức buổi gặp mặt để chia tay thầy Dương Thế Vinh về nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội.


                               Cô giáo Nguyễn Nữ Thanh Huyền trong vai trò MC


                                           Thầy giáo Dương Thế Vinh tâm sự

      Đã hơn một tháng nay ngôi trường Hoàng Xuân Hãn vắng bóng thầy hiệu trưởng Dương Thế Vinh, một người đã 37 năm cùng bảng đen phấn trắng và 28 năm gắn bó với trường năng khiếu Đức Thọ nay là trường Hoàng Xuân Hãn. Hai tám năm chung thủy với một ngôi trường, thời gian ấy thực sự là dài với bất cứ ai, hơn nữa với một người thầy tận tụy, trách nhiệm với nghề, với đồng nghiệp , với học trò như thầy thì khi chia xa niềm nhớ nhung, sự nuối tiếc, nỗi trống vắng sẽ da diết và thẳm sâu biết nhường nào với mỗi chúng ta...
      Tốt nghiệp khoa Văn trường ĐHSP Vinh năm 1980 thầy giáo trẻ Dương Thế Vinh đặt chân vào Thuận Hải, miềm đất cực nam Trung bộ nghèo khó, đầy nắng, đầy gió, mà nghĩa tình nồng ấm như bông Nha Hố, như nho Phan Rang, như biển trời Mũi Né và như sông Cà Ty trôi về biển cả. Chín năm gắn bó với mái trường cấp 3 Hàm Thuận là đoạn đời tươi trẻ, đầy ắp kỉ niệm với thầy. Thầy đã nói như thế và thơ thầy đã cho ta biết như thế  " Đức Thọ chiều về bình yên/ Tôi lại nhớ Phan Rang sâu thẳm/ Chùm nho em trao giờ còn đậm/ Phan Rang bây giờ còn mưa không em" và đây nữa "Hai chục năm rồi xa Thuận Hải/ Cà Ty ngày đêm vẫn chảy bên lòng/ Nhớ lầu ông Hoàng cùng Hàn Mặc Tử/ Chẳng biết người còn nhớ tôi không?"
      Hỏi là hỏi vậy thôi chứ thầy đã nhớ người thẳm sâu, da diết như thế thì cớ sao người lại không sâu thẳm nhớ thầy..  Rồi " Gĩa biệt phố phường ta về cồn Hội/ Nơi mẹ sinh ra khoai sắn nhọc nhằn"...Thầy về quê gắn bó với trường Tùng Ảnh một năm và duyên nợ với trường Năng Khiếu Đức Thọ tiền thân của trường Hoàng Xuân Hãn cho đến bây giờ - tròn 27 năm .
      Thưở thầy ở Thuận Hải qua bạn bè, qua thơ thầy ta biết được đoạn đời đầu nơi Thuận Hải đã để lại cho thầy một trời thương nhớ. Từ ngày thầy được về Đức Thọ, chúng ta mục sở thị, rồi mỗi người sẽ tự cảm nhận, tự hồi ức về thầy. Trong hội đồng của chúng ta hôm nay, những đồng nghiệp như thầy Thọ, cô Nhàn, cô Sâm đã  gắn bó với thầy đã trên 24,25 năm, thầy Thiền cô Trâm cũng đã 21 năm, còn tôi may mắn với 13 năm ở ngôi trường yêu dấu này. Rồi những học trò Năng khiếu từng được nghe thầy giảng, tốt nghiệp sư phạm may mắn về làm quân của thầy như cô Hoàng Yến, cô Oanh, cô Thủy, Cô Mai, cô Việt Anh và gần đây nhất là cô Tú Anh, cô Ý. Mỗi người tự nói về mình về thầy theo cảm nhận của riêng mình. Riêng tôi nghĩ mấy chục năm qua trường Hoàng Xuân Hãn là ngôi nhà chung dân chủ, ấm áp và sang trọng. Cán bộ giáo viên của trường đã làm nên không khí đó trong đó có công lớn của thầy Dương Thế Vinh. Cũng từ  ngôi nhà  này  nhiều cán bộ giáo viên của trường đã trưởng thành, phát triển hiện đang công tác ở nhiều lĩnh vực nhưng nhiều nhất vẫn là giáo dục. Và tôi cũng hết sức tâm đắc nhắc lại lời nhà báo Phan Thắng đã viết rất đúng, rất hay về thầy: " Tôi nghĩ, nghề giáo là một cuộc chơi tâm huyết, công phu và đài các nhất của cuộc đời Vinh. Và Vinh cũng chăm chút nhất cho cuộc chơi này. Vinh tận dụng mỗi buổi chào cờ, từng ô vuông trên bảng  phấn, từng giờ ra chơi của học trò để làm giáo dục, để thực thi cái nghiệp giáo của mình...Tôi là kẻ ngoại đạo không biết nhiều về thơ Vinh. Vả lại, cũng có nhiều người nói về cuộc chơi này của Vinh. Với kinh nghiệm, và chiêm nghiệm của mình, tôi thấy trong Vinh đậm đà phẩm chất nhà giáo nhưng lại có khí chất và phong thái thi nhân - nghệ sỹ. Phẩm chất nghệ sỹ của Vinh không chỉ có trong các bài thơ, trong mỗi lần  Vinh đọc thơ mà hiển hiện trong cái cung cách giao tiếp, giao đãi, trong cách tiếp xúc, tiếp nhận và ứng xử với văn chương, văn nhân, với mọi người, với cuộc đời." Triết lý nghề giáo của thầy là " Sống với học trò đâu sống với khen chê" vì thế rất chính xác khi đống nghiệp, học trò cảm nhận  về chúng ta, những người đứng trên bục giảng là vô tư khách quan nhất. Chúng ta hãy nghe đồng nghiệp, học trò nói về thầy, viết về thầy Dương Thế Vinh. Thầy Nguyễn Ngọc Hoan đồng nghiệp một thời nay là hiệu trưởng trường THPT Minh Khai viết :"Dương Thế Vinh là người thầy rất nhã nhặn, gần gũi và hòa đồng với học sinh, một người rất thủy chung , chu toàn, tình cảm với bạn bè, đồng nghiệp...". Và đây là lời của thầy Trần Quang Cảnh, trưởng phòng GD-ĐT Thạch Hà:"Trong con mắt chúng tôi, anh Vinh là hình mẫu ông đồ chính hiệu. Luôn tự hài lòng với hiện tại, ngại phô trương, ghét sự ồn ào, giả tạo. Chưa bao giờ anh coi chức vụ là thước đo thành công nên con đường quan lộ của anh có chút gập ghềnh. Đa số cán bộ giáo viên trường năng khiếu Đức Thọ thế hệ đầu đã chuyển trường...riêng anh vẫn chung thủy với trường...Sau này chúng tôi lấy làm mừng may mà anh ở lại, nên tình cảm của nhà trường và các thầy cô giáo dành cho chúng tôi vẫn như xưa dù trường đã đổi tên và mấy lần chuyển địa điểm". Tiến sỹ Đặng Hoàng Giang, học trò cũ của thầy viết:" Tôi vẫn còn nhớ như in những cảm hứng mãnh liệt khơi lên từ những buổi chào cờ đầu tuần do thầy Dương Thế Vinh phụ trách. Thực ra đấy là những buổi bình văn mở rộng và người được hưởng lợi nhiều nhất là dân xã hội chúng tôi. Thầy Vinh có lối bình thơ cuốn hút, hào sảng và đắm đuối. Thầy đọc thơ người và thỉnh thoảng đọc thơ mình:" Rồi sẽ có ngày bè bạn chia xa/ Thủy có thể thành nhà thơ và Hà thành cô giáo/ Kí ức ơi giữ dùm ta màu áo/ Aó học trò chưa chút bụi tơ vương".Những dự cảm của thầy nay đã ứng nghiệm chính xác vào thế hệ chúng tôi".
      Không thể nói hết được dấu ấn mà nhà giáo, nhà quản lý, nhà thơ Dương Thế Vinh đã để lại cho học trò cho đồng nghiệp và bạn bè gần xa trong buổi chia tay này. Tôi xin mượn lời một bạn học cũ thưở sinh viên đại học viết về thầy để kết lại những cảm nhận của chúng ta:" Sáu mươi năm cả chặng đường dài gắn bó với quê hương xứ sở. Anh đã sống tận cùng từng hơi thở, từng mọi yêu thương, giận hờn, từng trang giáo án ngọn đèn khuya tỏa rạng, mỗi lứa học sinh ra trường nhân thêm niềm vui. Hôm nay chia tay anh rời nhiệm sở để lại nơi đây một trời thương nhớ".
      Vâng, chia tay thầy để lại cho chúng ta một trời thương nhớ. Xin chúc thầy sức khỏe và hạnh ngộ vẹn toàn...

Tác giả bài viết: Nguyễn Nữ Thanh Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập466
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm465
  • Hôm nay95,749
  • Tháng hiện tại1,493,933
  • Tổng lượt truy cập42,066,006
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây