Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Quân đội Nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, quân đội của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện.

Xem tiếp...

Bài thuyết trình "Năng động, sáng tạo"

Thứ tư - 31/07/2019 23:15
Năng động là sống tích cực, chủ động, dám nghĩ và dám làm trong mọi việc. Còn sáng tạo là say mê nghiên cứu, tìm tòi để tạo ra những giá trị mới về vật chất, tinh thần hoặc tìm ra cái mới,...
Kính thưa quý thầy cô giáo, thưa các bạn học sinh!
      Có lẽ, không ít các bạn học sinh đang ngồi đây đã từng được biết về nhà bác học Ê-đi- xơn. Vào năm 12 tuổi, ông đã phải thôi học, đi làm kiếm tiền lo cho sinh hoạt gia đình. Lúc biết mẹ mình bị đau ruột thừa cấp tính, mà ở trong nhà thì quá tối, không thể tiến hành ca mổ. Ông đã suy nghĩ và tìm ra cách thực hiện một ý tưởng. Và nhờ có đủ ánh sáng, mẹ của ông đã được cứu sống. Như vậy, có thể thấy, nhờ sự năng động, sáng tạo của mình, nhà bác học Ê-đi-xơn đã sáng chế, phát minh ra các công cụ có giá trị, phục vụ cho đời sống. Và ngày nay, sự năng động, sáng tạo cũng là một trong những phẩm chất không thể thiếu của mỗi người, đặc biệt là học sinh chúng ta – những người trẻ trong thời đại công nghệ.
      Vậy năng động, sáng tạo là gì? Thế nào là người năng động, sáng tạo? Năng động là sống tích cực, chủ động, dám nghĩ và dám làm trong mọi việc. Còn sáng tạo là say mê nghiên cứu, tìm tòi để tạo ra những giá trị mới về vật chất, tinh thần hoặc tìm ra cái mới, cách giải quyết mới mà không bị gò bó phụ thuộc vào những cái đã có. Như thế, có thể thấy năng động là cơ sở để sáng tạo và sáng tạo chính là động lực để sống năng động. Những người năng động là người luôn mạnh mẽ, quyết đoán trong mọi việc làm. Họ không chờ đợi may mắn mà luôn tự mình tìm kiếm cơ hội, lập kế hoạch thực hiện những mục tiêu của mình trong học tập và trong cuộc sống. Năng động trong tư duy sẽ tạo nên tính sáng tạo. Những người có tính sáng tạo, họ không tự bằng lòng với cái đã có sẵn, không bắt chước hoàn toàn cách làm đã có mà luôn say mê tìm tòi và phát hiện. Từ đó, họ có thể linh hoạt xử lí các tình huống, tìm ra cách làm mới, sản phẩm mới, độc đáo và đạt hiệu quả cao.
      Thưa các bạn!
      Tại sao con người lại cần phải năng động, sáng tạo?
      Như chúng ta biết, thế giới hiện đại luôn không ngừng biến đổi và phát triển, đòi hỏi mỗi chúng ta đều phải thích ứng, thay đổi. Vậy nếu chúng ta cứ mãi đi theo lối mòn cũ, cứ giẫm chân tại chỗ thì chẳng những đánh mất đi những cơ hội của bản thân mà còn kéo lùi sự phát triển của nền văn minh nhân loại. Thử hỏi, nếu không có sự năng động và sáng tạo thì liệu Ê-đi-xơn, Picasso,... có ghi được tên tuổi mình vào lịch sử nhân loại, chúng ta có thể được chiêm ngưỡng những kiệt tác nghệ thuật, được sử dụng những đồ vật, ứng dụng tiện ích hay không? Không có sự năng động, sáng tạo liệu loài người có tạo ra được những công cụ lao động ngày càng hữu hiệu để thay thế, giải phóng sức lao động của mình hay không? Không có sự năng động, sáng tạo, liệu nhân loại có đạt được đến trình độ văn minh như hiện nay không? Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, muốn thành công trong học tập và trong cuộc sống nhất định phải năng động, sáng tạo.
      Làm thế nào để trở thành người năng động, sáng tạo?
      Người năng động, sáng tạo là người nhanh nhạy, biết phát hiện và nắm bắt nhanh những cơ hội, những con đường, những phương pháp để thành công trong học tập và trong cuộc sống. Để thành người năng động, sáng tạo chúng ta cần tích cực mở mang giao tiếp, tạo lập các mối quan hệ, tìm kiếm những cơ hội, dám chinh phục những thử thách, luôn nỗ lực tìm tòi và định hình được những cái mới. Ví dụ, trong quá trình học tập, chúng ta chủ động trao đổi với thầy cô về những nội dung liên quan đến các nội dung chúng ta đang và sẽ học, rồi chúng ta chủ động mượn thầy cô hay lên mạng tìm kiếm tài liệu để làm phong phú thêm cho vốn hiểu biết của mình. Đó là năng động. Ví dụ, có nhiều cuộc thi không bắt buộc do các tổ chức ngoài nhà trường phát động, chúng ta chủ động tìm hiểu và thử sức rồi thành công ở cuộc thi đó, chúng ta giành lấy cho mình những phần thưởng bất ngờ. Đó cũng là năng động. Ví dụ, từ những kiến thức học được trong sách vở, ở nhà trường chúng ta vận dụng vào cuộc sống, tìm kiếm ý tưởng mới để giải quyết những vấn đề thực tiễn mà mọi người đang gặp khó khăn và chúng ta tạo nên những mô hình, những sản phẩm giá trị. Đó là sáng tạo. Bạn nào đó trong lớp chúng ta có phương pháp học tập hiệu quả, không tốn nhiều thời gian mà vẫn lĩnh hội đầy đủ tri thức và kĩ năng – đó là sáng tạo. Cô giáo, thầy giáo giảng dạy ở lớp chúng ta, bằng tài năng của mình luôn thay đổi cách dạy học, khiến chúng ta không bao giờ thấy nhàm chán – đó cũng là sáng tạo. Sự năng động, sáng tạo thật mang nhiều ý nghĩa!!!
      Năng động, sáng tạo có dễ không, có phải ngẫu hứng không?
      Kính thưa quý thầy cô, thưa các bạn, câu trả lời là: Không!
Muốn năng động, sáng tạo trong học tập cũng như trong lao động ở mọi công việc, mọi ngành nghề chúng ta cần có nền tảng tri thức vững chắc. Không có nền tảng vững chắc làm sao có thể chủ động, tích cực, dám nghĩ, dám làm và làm hiệu quả trong mọi việc? Không có nền tảng vững chắc, không tích lũy cho mình vốn hiểu biết của những thế hệ trước làm sao có thể tìm ra những cách làm mới, những giá trị mới tiến bộ hơn cái cũ? Không có nền tảng vững chắc thì sự năng động sáng tạo không có bệ phóng để cất cánh; nếu vẫn cất cánh theo kiểu vô chừng thì năng động sáng tạo dễ trở thành ảo tưởng, không tưởng, là sản phẩm của trí tưởng tượng vu vơ. Năng động, sáng tạo thực sự sẽ giúp ta học tập và làm việc nhanh hơn, hiệu quả hơn, đỡ phí tổn thời gian và công sức lao động hơn.
      Trái ngược với năng động, sáng tạo là lối sống thụ động, đơn điệu, ngại thay đổi, cứ khư khư giữ thói quen học tập và làm việc theo quán tính, theo những con đường, những phương pháp quen thuộc đến nhàm chán. Người thụ động, ngại thay đổi là những người lười suy nghĩ và thích hưởng thụ thời gian, là những người không muốn đổ mồ hôi công sức nhiều cho học tập và làm việc mà vẫn muốn có thành quả tốt đẹp. Những người như thế có thể không trở thành gánh nặng cho xã hội nhưng chắc chắn sẽ không làm cho bản thân họ, công việc của họ, cộng đồng quanh họ tốt đẹp hơn. Chúng ta sinh ra không phải để trở thành những vĩ nhân lưu danh thiên cổ, chúng ta được sinh ra và được sống có một lần, chúng ta cần sống sao cho có ý nghĩa mà thôi! Đó là giá trị làm người.
      Thưa tất cả các bạn!
      Tôi nghĩ rằng, học sinh chúng ta cần nghiêm túc học tập và rèn luyện, tự đánh thức khả năng tư duy, sáng tạo của bản thân bằng những suy nghĩ, hành động cụ thể. Những phẩm chất tốt đẹp của con người không tự nhiên mà có. Tất cả là kết quả của quá trình tập luyện, củng cố và khẳng định trong một thời gian dài. Tính năng động và sáng tạo cũng vậy. Chúng ta muốn có được những phẩm chất quý giá ấy, chúng ta cần có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và với xã hội. Là học sinh, hãy bắt đầu rèn tính năng động, sáng tạo bằng thói quen luôn tích cực nghiên cứu, tìm hiểu cách học tập tốt nhất, khoa học nhất để đạt hiệu quả cao; hãy bắt đầu bằng việc liên hệ những kiến thức mình học được vào cuộc sống, vận dụng vào cuộc sống.
      Thưa quý thầy cô! Thưa tất cả các bạn!
      Còn gì đơn điệu và nhàm chán hơn khi chúng ta sống, học tập, lao động mà không có sự năng động, sáng tạo, không có niềm đam mê! Sự năng động, sáng tạo không chỉ đem lại bao tiện ích cho cuộc sống này mà còn khiến cuộc sống này đẹp hơn, giá trị hơn, đáng sống hơn.
Bài thuyết trình của em đến đây xin kết thúc. Xin cảm ơn quý thầy cô giáo và các bạn đã chú ý lắng nghe.
 

Tác giả bài viết: Lê Phan Thảo Vy - 9B

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập254
  • Hôm nay72,232
  • Tháng hiện tại1,678,730
  • Tổng lượt truy cập42,250,803
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây