Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Quân đội Nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, quân đội của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện.

Xem tiếp...

Băn khoăn lo lắng và hy vọng

Thứ bảy - 27/07/2019 21:04
Trong Hội nghị CBCC và CĐ năm học 2011 - 2012 tổ chức ngày 24/ 9/ 2011, cô giáo Nguyễn Nữ Thanh Huyền, Tổ trưởng tổ Xã hội đã trình bày bản tham luận "Băn khoăn lo lắng và hy vọng". BBT hoangxuanhan.edu.vn xin giới thiệu cùng bạn đọc bản tham luận đầy tâm huyết này.
Chúng ta có thể nhận thấy môn Ngữ văn nói riêng, các môn khoa học xã hội nói chung trong nhà trường có vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của học sinh. Hiện nay việc dạy – học các môn học này đứng trước một thực tế đáng buồn: phần lớn học sinh không mặn mà, thậm chí thờ ơ, đối phó. Học sinh là vậy, bản thân những người làm giáo dục có lẽ cũng chưa hiểu hết vai trò của nó nên sự nhìn nhận chưa thật sự thấu đáo. Thành tích của môn Ngữ văn chưa được coi trọng như thành tích các môn học khác. Ở trường THCS Hoàng Xuân Hãn, giáo viên dạy các môn khoa học xã hội nhiệm vụ nặng nề khó khăn hơn. Bên cạnh giảng dạy chúng tôi phải đảm đương công việc phong trào, bề nổi – những công việc góp phần giữ vững vị thế của nhà trường. Những đóng góp ấy của chúng tôi vẫn được Ban giám hiệu, đồng nghiệp ghi nhận và chia sẻ.

      Trước những đặc trưng riêng của nhà trường và thực tế chung của các môn khoa học xã hội, chúng tôi – những giáo viên trực tiếp giảng dạy, không khỏi băn khoăn lo lắng.

      Điều đầu tiên chúng tôi băn khoăn là chất lượng đại trà. Chất lượng đại trà môn Ngữ văn phần nào hiện rõ ở kết quả khảo sát chất lượng đầu năm học. Một kết quả không bình thường. Một sự không bình thường chưa từng gặp trong những năm gần đây . Nếu kết quả này không được đặc biệt quan tâm và có giải pháp hiệu quả nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vị thế của nhà trường trong toàn tỉnh. Thứ hai là công tác mũi nhọn. Chúng tôi thật sự lo lắng khi học sinh từ chối vào đội tuyển bồi dưỡng Ngữ văn, thậm chí nhiều em sợ làm văn điểm cao sẽ bị giáo viên “bắt” đi thi học sinh giỏi??! Ngẫm những điều khó khăn thì không ít, lại thật buồn khi nghe một phụ huynh của học sinh đội tuyển năm trước nói: “Nếu biết trước học đội tuyển Văn phải nộp tiền thì không đi, nộp tiền mà học toàn thì có ích hơn”, Đi ôn đội tuyển Văn mà phải nghỉ học thêm Toán thì đừng hòng” (!), “Không được vào đội tuyển Anh thì thôi, dứt khoát không thi Văn”(!).

      Vậy vì sao dạy Ngữ văn – chất lượng môn Ngữ văn hiện nay lại như vậy? Là một giáo viên dạy Ngữ văn tôi thấy có rất nhiều nguyên nhân nhưng với trường của chúng ta tôi chỉ xin nêu một số nguyên nhân dễ thấy, dễ hiểu.

      Thứ nhất là, do xã hội, sự tác động của cơ chế thị trường, của xu hướng thực dụng. Thứ hai là do suy nghĩ và quan niệm của phụ huynh. Một số phụ huynh nghĩ rằng học các môn khoa học xã hội sẽ làm mất thời gian học các môn yêu thích… và đó là cái cớ cho việc lười học của học sinh. Thứ ba là do tác động của các môn học khác.  Sự thiên lệch về một số môn khoa học tự nhiên đã làm chất lượng học các môn học khác của các em giảm rõ rệt. Thứ tư, một nguyên nhân rất quan trọng đó là vai trò của thầy cô giáo trong quá trình dạy học. Đây là điều chúng ta phải trăn trở. Trăn trở về sự đam mê? Trăn trở về phương pháp dạy học? Chúng ta phải ngẫm nghĩ trước ý kiến của một phụ huynh: “Tôi rất muốn các con học toàn diện. Điều chúng tôi mong muốn là làm thế nào  để các cháu thích học”. Làm thế nào để các cháu thích học? Câu trả lời là của chúng ta có phải không các đồng chí? Và thưa các đồng nghiệp, gần đây trên các báo chí và phương tiện thông tin đại chúng luôn luôn xuất hiện những câu đại ý thế này: Xin đừng đánh mất tuổi thơ của các em và trẻ em cần thời gian hơn vật chất

      Chúng ta băn khoăn lo lắng trước thực tế như vậy nhưng vẫn còn nhiều hy vọng. Nhìn vào những gì đã làm được, đã được khẳng định như vị thế thi vào PTTH, điểm Ngữ văn, Tiếng Anh luôn đứng ở tốp đầu. Môn Ngữ văn có năm dẫn đầu toàn tỉnh. Năm học 2010 – 2011 để lại cho ta niềm phấn khởi. Điểm tuyển sinh môn Ngữ văn xếp thứ hai toàn tỉnh. Rất nhiều học sinh vẫn đam mê với phong trào Viết – Vẽ. Kết quả của sự yêu thích đó là các em vẫn thường xuyên có tác phẩm đăng báo, tạp chí. Phong trào đọc của các em được duy trì trong khi xã hội đang than vãn về việc văn hoá đọc xuống cấp trầm trọng. Các em vẫn háo hức chờ đợi đến kì Văn học và Tuổi trẻToán tuổi thơ.... Chúng ta vẫn thường nhận được những câu hỏi: Thưa cô, đã có Văn học và Tuổi trẻ, Toán tuổi thơ  chưa ạ? Các em vẫn say sưa đọc những bài thơ, truyện ngắn trên báo bảng; các em vẫn thường xuyên lên diễn đàn trên Website nhà trường. Hay cuộc thi Rạng rỡ Hồng Lam được các em tham gia đầy thích thú và kết quả được đánh giá cao.

       Năm học 2011 – 2012 tổ Khoa học xã hội xin đưa những giải pháp sau và sẽ quyết tâm thực hiện:

  - Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học: Dạy học sinh dễ hiểu, dễ vận dụng và biết sáng tạo. Mỗi cán bộ giáo viên phải tự làm mới mình về kiến thức và phương pháp.

  - Gắn trách nhiệm bồi dưỡng mũi nhọn cho từng giáo viên.

  - Tăng cường hoạt động ngoại khoá các môn xã hội, tạo ra nhiều sân chơi trí tuệ cho các em.

  - Duy trì và phát triển phong trào đọc, viết bài cho các báo, tạp chí, Website, tổ chức thi Viết – Vẽ cấp trường, dự thi Viết – Vẽ tuổi học trò cấp tỉnh.

  - Tiếp tục nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn. Sinh hoạt tổ chuyên môn chủ yếu tập trung bàn về chuyên môn, tránh hành chính, sự vụ.

Tác giả bài viết: Nguyễn Nữ Thanh Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập242
  • Hôm nay88,979
  • Tháng hiện tại1,595,044
  • Tổng lượt truy cập42,167,117
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây