Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Quân đội Nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, quân đội của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện.

Xem tiếp...

Miền kí ức

Thứ bảy - 27/07/2019 07:15
Một mùa thu nữa lại về với nắng vàng rực rỡ, hương hoa sữa thơm nồng trên khắp các nẻo đường, những làn gió heo may nhẹ thổi gợi trong lòng người bao nỗi vấn vương hoài niệm.
Sân trường sáng nay yên tĩnh lạ. Ngoài kia dưới những tán bàng xanh sẫm chỉ có tiếng mấy chú chích bông đang ríu rít chuyền cành. Lớp bên cạnh tiếng đọc bài của cô học trò nhỏ vang lên trầm bổng “Hằng năm, cứ vào cuối thu.... Hôm nay tôi đi học”. Lời văn khơi dậy trong lòng người bao nỗi rạo rực mơn man của những kỷ niệm tuổi học trò.
          Mùa thu năm 1990, có cô bé con 11 tuổi cùng chúng bạn được vào học tại một ngôi trường mới: Trường Năng khiếu Đức Thọ (tiền thân của trường THCS Hoàng Xuân Hãn bây giờ). Ngày ấy trong suy nghĩ non nớt của chúng tôi, chưa đứa nào hình dung được rõ ràng về trường mới, bạn mới, thầy cô mới nhưng trong lòng ai cũng dào lên một nỗi háo hức, vui sướng và tràn đầy tưởng tượng về những điều đang đợi chờ mình phía trước.
          Ấn tượng của cô bé  trong những ngày đầu đến lớp không phải là ngôi trường nhỏ bé với những bức tường vôi loang lổ, cũ kĩ hay những lớp học đơn sơ mà là số học sinh ít đặc biệt của những lớp học. Khóa học của cô ngày ấy lúc nhập trường chỉ vỏn vẹn 20 học trò chia thành 2 lớp văn và toán. Còn cả trường lúc đó cũng chỉ có khoảng 100 học sinh. Chính những con số ít ỏi ấy đã gợi lên trong lòng cô bé một nỗi tự hào và những trách nhiệm mơ hồ phía trước.
          Khi đã dần quen với trường mới và bạn mới, chúng tôi những cô cậu học trò bé tẹo cũng đã quen dần với môi trường học và cách học và đặc biệt là hình ảnh các thầy cô giáo. Lớp 5 chuyên văn của chúng tôi ngày ấy chỉ có 7 học trò và có đến 3 giáo viên đứng lớp. Cô Mỵ chủ nhiệm, cô Sửu dạy văn còn dạy toán là thầy Điền - người chúng tôi thường gọi là ông. Nét đặc biệt nhất ở ông lúc ấy có lẽ là mái tóc hoa râm, nụ cười hiền từ và những con điểm 9, điểm 10 mà ông chấm – những con điểm đỏ chói và to đúng bằng trang vở học trò. Và chúng tôi – những đứa cháu ngây thơ - vô cùng vui mừng hớn hở khi nhận được những con điểm đặc biệt ấy cùng cái xoa đầu và nụ cười hiền hậu của ông.
          Lớp 6 rồi lớp 7 chúng tôi có giáo viên chủ nhiệm mới – thầy Hoàng. Trong suy nghĩ của chúng tôi, thầy thật hiền – hiền và đẹp như ông tiên trong truyện cổ tích. Chúng tôi ngày ấy nam ít nữ nhiều nên thầy luôn luôn phải đứng ra phân xử những vụ cãi lộn nho nhỏ giữa đám con gái với nhau, cười thật hiền khi lũ học trò biết ăn năn hối lỗi.
          Hồi ấy việc học của chúng tôi chủ yếu đầu tư cho môn văn. Ngòai học buổi sáng còn phải học từ 3- 4 buổi chiều. Nên sau mỗi buổi học căng thẳng, chúng tôi lại mè nheo thầy cho mượn chiếc xe đạp cũ kĩ rồi 4 đứa tiểu yêu hớn hở ngồi lên đạp khắp sân trường. Thầy đứng nơi cửa lớp chỉ biết lắc đầu cười trừ trước những trò tinh quái của lũ học  trò yêu.
          Những thời kỳ vô tư ấy đã trôi qua thật nhanh, lên lớp 8 rồi lớp 9 chúng tôi tập trung đội tuyển thi tỉnh môn văn. Việc duy nhất bây giờ của học trò là học và học, những giờ học căng thẳng nhưng tràn đầy sự say mê. Say mê trước kho tàng kiến thức văn học vô cùng rộng lớn của con người, say mê háo hức với những giờ giảng văn của thầy Thinh về Nguyễn Trãi “Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu. Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng”; thầy Dương Thế Vinh gợi cho chúng tôi sự đam mê vẻ đẹp những trang thơ Truyện Kiều, cảm thông với cuộc đời bị đọa đày đau khổ của người đẹp Thúy Kiều. Những lời thầy giảng ngày ấy đã thổi vào lòng chúng tôi ngọn lửa đam mê văn học để rồi sau này niềm đam mê ấy đối với tôi trở thành duyên nợ.
          Thời gian dần trôi, cùng với những lo toan, bận rộn của học hành, thi cử chúng tôi cũng sắp tốt nghiệp THCS. Trong những ngày cuối bao yêu thương bịn rịn nhớ nhung dào lên trong lòng cô học trò cùng chúng bạn. Năm năm học đã đi qua- quảng thời gian đủ để một đứa trẻ dần lớn khôn, quãng thời gian có thể xme là đẹp nhất trong cuộc đời đi học của mỗi con người. Mái trường Năng khiếu đối với chúng tôi lúc ấy thật sự là mái ấm yêu thương của tình thầy trò, bè bạn; là nơi ươm mầm chắp cánh cho ước mơ, khát vọn của chúng tôi trên những chặng đường sắp tới. Đối với riêng tôi, những gì tôi nhận được từ mái trường yêu thương không chỉ là tri thức, tình yêu mà còn có một sự gắn bó như là duyên nợ.
          Chính duyên nợ với môn văn đã khiến tôi lựa chọn ban C- Ban khoa học xã hội – trong những năm tháng học trung học phổ thông. Trong suy nghĩ của tôi ngày ấy tôi sẽ phấn đấu trở thành một nữ luật sư hoặc là một nhà báo thật năng động. Nhưng có lẽ duyên nợ với môn văn chưa dứt. Tôi đi học Đại học và sẽ trở thành một giáo viên dạy văn. Những năm tháng ấy đối với tôi quả thật nhiều trắc trở và biến động. Nhưng có một điều không bao giờ thay đổi trong tôi là niềm đam mê văn học – niềm đam mê được thổi vào từ những tháng ngày tôi được học ở trường Năng khiếu Đức Thọ.
          Năm 2002, tôi tốt nghiệp Đại học và trở thành cô giáo dỵc văn. Mùa thi năm ấy, trời thật trong và cao, hoa sữa thơm khắp các ngã đường hòa cùng với háo hức của lòng người chuẩn  bị cho lễ khai giảng năm học mới. Trong những ngày thu đẹp đến say lòng người ấy, tôi nhận được quyết định đi dạy. Trong suy nghĩ của tôi lúc bấy giờ, chưa bao giờ tôi hình dung và tưởng tượng mình sẽ được trở về trường cũ. (bây giờ đã đổi tên là trường THCS Hoàng Xuân Hãn) bởi trường đối với tôi vẫn giống như một thánh đường kì diệu mà một cô giáo trẻ như tôi chưa thể bước vào. Vậy nên khi cầm quyết định dạy học trên tay quả thật trong lòng tôi lúc đó chỉ có những lo lắng, băn khoăn và một thoáng sợ hãi mơ hồ.
          Ngày đầu tiên tôi đến  trường trình diện cũng là ngày khai giảng năm học mới. Trong không khí trang nghiêm ấy, lòng tôi dào lên niềm xúc động rưng rưng. Trước mắt tôi vẫn là mái trường xưa với những mái nhà cấp 4 đơn sơ nép dưới tán xn cây bàng, vẫ là phòng học cũ dù đã sửa sang lại khá nhiều. Các thầy cô ngày ấy bây giờ tôi chỉ còn gặp lại thầy Vạn, thầy Vinh, cô Bình, cô Phương Thảo, cô Hiền, mẹ Lý, mẹ Nhuần, cô Nhàn... những gương mặt thầy cô thân quen với bao yêu thương trìu mến. Hơn 10 năm đã trôi qua, nhưng trong phút giây ấy, bao kỷ niệm cũ lại trở về trong tôi như một cuốn phim quay chậm. Tôi hình dung một cách rõ ràng lễ khai giảng ngày tôi mới vào trường, những ngày tháng không thể nào quên dưới mái trường... Và cũng trong những khoảnh khắc ấy tôi ý thức được con đường đi phía trước của mình sẽ cần rất nhiều những nỗ lực quyết tâm.
          Trong những ngày đầu đầy bỡ ngỡ của cuộc đời cầm phấn với bao lo lắng băn khoăn tôi đã được các thầy cô giáo đón nhận, chỉ bảo hướng dẫn tận tình. Và lúc đó tôi ngỡ như mình vẫn chỉ là cô học trò nhỏ ngày nào được các thầy cô dạy dỗ, yêu thương.
          Ngày đầu tiên trên bục giảng, đứng trước những đôi mắt trong veo, ẩn giấu sự tò mò của những cô cậu học trò, tôi như thấy gương mặt mình từ những ngày xưa hiện lại. Và cũng từ những giây phút ấy tôi biết nghề giáo sẽ gắn bó với mình suốt cả cuộc đời. Thời gian dần trôi, tôi trở thành một thành viên của ngôi nhà - mái trường Hoàng Xuân Hãn, được sống trong bầu không khí yêu thương, đoàn kết thấu hiểu lẫn nhau của các thành viên trong một gia đình; được đón nhận những tình cảm yêu thương tin cậy của học trò. Và đối với tôi đó là món quà vô giá và cũng là những động lực để tôi phấn đấu trong những chặng đường kế tiếp. Thấm thoát đã 7 năm tôi công tác ở trường, bao lo toan, buồn vui, hạnh phúc đã theo tôi trong những tháng ngày qua để rồi trở thành một phần ký ức không thể nào quên...
          Mùa thu năm 2009. Cũng là nắng vàng như rót mật, cũng là sương thu se lạnh với hương hoa sữa nồng nàn, trường tôi kỷ niệm 20 năm ngày thành lập. 20 năm – một chặng đường – với nhiều biến cố thăng trầm; 20 năm khoảng thời gian cũng đủ để con người ta lưu lại trong suy nghĩ bao cảm xúc, tình yêu, sự gắn bó với mái trường. Với tôi, từ khi còn là một cô bé con 11 tuổi cho đến bây giờ đã là một giáo viên thực sự trưởng thành, trường Năng khiếu Đức Thọ- Trường Hoàng Xuân Hãn bây giờ luôn luôn là chốn lắng đọng những yêu thương, gắn bó trong trái tim mình ...

Tác giả bài viết: Nguyễn Tú Oanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập339
  • Hôm nay82,673
  • Tháng hiện tại1,578,366
  • Tổng lượt truy cập42,150,439
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây